14/05/2020 14:26

Yếu tố người thứ ba ngay tình trong các giao dịch và 10 bản án liên quan

Yếu tố người thứ ba ngay tình trong các giao dịch và 10 bản án liên quan

Pháp luật đã có những nội dung quy định về người thứ ba ngay tình. Vậy người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi trong giao dịch ra sao? Bài viết sau đây sẽ đề cập đến yếu tố người thứ ba ngay tình trong các giao dịch và 10 bản án liên quan. Mời các bạn cùng tham khảo

A. Yếu tố người thứ ba ngay tình trong các giao dịch

Người thứ ba ngay tình tham gia trong các giao dịch được hiểu là người tại thời điểm giao dịch người này không có cơ sở để biết và không buộc phải biết việc tham gia vào giao dịch là không phù hợp với quy định pháp luật. Điều đó có nghĩa là khi tham gia vào giao dịch, người này hoàn toàn tin rằng người giao dịch là người có quyền giao dịch và giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch có hiệu lực.

Vì vậy, pháp luật đưa ra biện pháp bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch, trong trường hợp giao dịch dẫn đến vô hiệu không do lỗi của người thứ ba.

"Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại."

B. 10 bản án liên quan

1. Bản án 76/2018/DS-PT ngày 28/05/2018 về tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

+ Trích dẫn nội dung: ” Bà T là người thứ ba nhận chuyển nhượng đất ngay tình từ Ông N, bà T đã được chỉnh lý, sang tên quyền sử dụng 180m2 đất/1.493m2 đất nên theo quy định của pháp luật bà T có quyền sử dụng diện tích 180m2 đất này. Tại phiên tòa hôm nay ông H cũng đồng ý để bà T sử dụng diện tích đất này với điều kiện “Ông N phải có lời nói với cha” và phải trả giá trị đất đã chuyển nhượng cho bà T cho cha nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, buộc Ông N trả cụ Ngô M theo giá thị trường đối với diện tích 180 m2 đất này ”.

2. Bản án 128/2019/DS-PT ngày 13/08/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

+ Trích dẫn nội dung: “Cho nên, theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 về: “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” thì giao dịch “hợp đồng thế chấp tài sản” giữa ông Lê Minh H với Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là giao dịch hợp pháp và Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là “người thứ ba ngay tình” cần phải được bảo vệ và không bị vô hiệu; nguyên đơn và những người thừa kế quyền nghĩa vụ của nguyên đơn không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại thửa đất số 44, tờ bản đồ số 5, diện tích 387m2 đang tranh chấp và không thể hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 769121 ngày 12/5/2009 mà phải để xử lý, thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk”.

3. Bản án 75/2019/DS-PT ngày 27/06/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng 

+ Trích dẫn nội dung: “Do vậy, ông T6, bà L, Bà T1, ông T2 là người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua giao dịch với người có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng nhận. Theo đó, những người này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với phần đất được nhận tặng, cho. Nên theo quy định tại Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 giao dịch này được pháp luật bảo vệ. Trách nhiệm bồi thường cho bà Nguyễn Thị H thuộc về ông Bùi Xuân Q, bà Đào Thị T”.

4. Bản án 20/2019/DS-PT ngày 31/05/2019 về đòi lại tài sản là nhà và quyền sử dụng đất, yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận

+ Trích dẫn nội dung: ”Căn cứ khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự 2015, có cơ sở xác định bà H là người thứ ba ngay tình khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 106 từ bà C; Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà C và bà H không bị vô hiệu. Việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CM 453237 cho bà H là có cơ sở. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu H là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thửa đất tranh chấp có căn nhà tạm hiện hộ gia đình chị T đang ở nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc chị T phải trả lại quyền sử dụng đất là chưa triệt để. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm điều chỉnh lại, buộc hộ gia đình chị Nguyễn Thị Lan T phải giao trả cho bà Nguyễn Thị Thu H thửa đất 106 tờ bản đồ 7c, xã H, diện tích 64m2”.

5. Bản án 79/2018/DS-PT ngày 06/08/2018 về tranh chấp chia tài sản chung và di sản thừa kế

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước

+ Trích dẫn nội dung: “Tòa án sơ thẩm không hướng dẫn ông H làm đơn yêu cầu phản tố về yêu cầu buộc ông K, bà H hoàn trả lại trị giá diện tích đất của ông H bị ông K, bà H đã chuyển nhượng cho người thứ ba; không hướng dẫn ông Nguyễn Xuân T, bà Nguyễn Thị D làm đơn yêu cầu độc lập là không có căn cứ. Bởi lẽ, như mục [3] đã nhận định sau khi Bản án dân sự phúc thẩm số 95/2011/DS-PT ngày 13/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước có hiệu lực pháp luật, ngày 11 tháng 5 năm 2012, ông K, bà H đã chuyển nhượng thửa đất có diện tích 14.463m2 cho người thứ ba là ngay tình và hợp pháp. Nên Tòa án sơ thẩm công nhận các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông K, bà H và ông Phạm Văn C, bà Võ Thị Kim X ký ngày 11/5/2012; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Phạm Văn C, bà Võ Thị Kim X và ông Lã Xuân T ký ngày 14/02/2015; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lã Xuân T và ông Nguyễn Xuân T, bà Nguyễn Thị D ký ngày 27/3/2015 là hợp pháp, đồng thời buộc ông K, bà H phải hoàn trả lại giá trị đất đã chuyển nhượng cho ông H” .

6. Bản án 196/2017/HC-PT ngày 18/08/2017 về khiếu kiện hành vi hành chính quản lý đất đai

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

+ Trích dẫn nội dung: ”Như vậy, bà Đặng Thị T2 đã kê khai, đăng ký và được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bà T2 có sang nhượng 01 diện tích đất cho anh Đỗ Văn Q, chị Trần Thị Ngọc D và anh Q, chị D đã được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh Đỗ Văn Q, chị Trần Thị Ngọc D là người thứ ba ngay tình, nên được áp dụng theo quy định trên của pháp luật. Án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn X và bà Trần Thị Nh là không đúng”.

7. Bản án 15/2020/DS-PT ngày 14/02/2020 về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và hủy giá trị pháp lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

+ Trích dẫn nội dung: Ông K2 là người thứ ba mua tài sản. Do đó, căn cứ vào khoản 2 và khoản 3 Điều 133 Bộ luật dân sự thì ông K2 là người thứ ba mua tài sản ngay tình nên cần phải được bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

8. Bản án 169/2020/DS-ST ngày 18/09/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

+ Trích dẫn nội dung: "các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Q, bà N đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho ông T, bà H, kế đến là bà T. Như vậy, ông T, bà H, bà T thực hiện các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất này là người thứ ba ngay tình trong các giao dịch trên, nên được pháp luật bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, được quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015;"

9. Bản án 152/2019/DS-PT ngày 22/04/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre.

+ Trích dẫn nội dung: "trong trường hợp này ông L1 là người thứ ba ngày tình được pháp luật bảo vệ. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà S và ông L1 là có thật, tại phiên tòa phúc thẩm, bà S thừa nhận bà và ông L1 đã có bàn giao mặt bằng đối với phần đất chuyển nhượng cho ông L1, đồng thời phía bị đơn bà L cũng trình bày ông L1 không thể vào quản lý, sử dụng đất là do bà không thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án, không giao đất cho phía bà S để bà S giao cho ông L1. Như vậy, ông L1 không có lỗi trong việc không quản lý, sử dụng đất sau khi chuyển nhượng."

10. Bản án 237/2020/DS-PT ngày 30/12/2020 về yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: TAND tỉnh Đăk Lăk

+ Trích dẫn nội dung: "Ông B, bà T là người thứ ba ngay tình khi giao kết hợp đồng với bà H1, được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của ông H về việc yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được ký kết ngày 16/5/2018, giữa bà Nguyễn Thị H1 và vợ chồng ông Dương Hải B, bà Trần Thị T đối với thửa đất số 46 là vô hiệu."

Kim Huệ
23001

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn