1. Quy định của pháp luật về người bào chữa
Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa tham gia với tư cách tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Điều 72 BLTTHS 2015.
Người bào chữa có thể là: Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Trường hợp chỉ định người bào chữa
Trong một số trường hợp sau, nếu người bị buộc tội hoặc người đại diện của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ: Bị can, bị cáo bị buộc tội về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Thủ tục đăng ký bào chữa
Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Người bào chữa khi tham gia bào chữa phải xuất trình các giấy tờ như Thẻ luật sư đối với Luật sư, Thẻ trợ giúp viên pháp lý đối với trợ giúp viên pháp lý …
Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Theo quy định tại Điều 74 thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Đây là điểm mới của BLTTHS 2015, theo đó người bào chữa không chỉ tham gia bào chữa từ khi khởi tố bị can mà còn tham gia từ trước khi khởi tố vụ án. Luật chỉ quy định thời điểm bắt đầu tham gia bào chữa, thời điểm sớm nhất là khi bị bắt, tạm giữ người (khi chưa khởi tố vụ án). Quy định này là cơ sở để đảm bảo quyền tự do cá nhân, tự do thân thể được bảo vệ tốt nhất và sớm nhất khi họ trở thành người bị buộc tội.
Đây là cơ sở pháp luật để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ và tạo điều kiện để họ có người bào chữa tham gia (trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia).
Xuất phát từ quy định này mà trong quá trình tố tụng, người bị buộc tội có thể thực hiện quyền này bất cứ tại thời điểm nào hoặc giai đoạn nào để người bào chữa giúp họ bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết các vụ án hình sự đã xảy ra một số trường hợp chưa thống nhất trong việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.
2. Trường hợp bị can, bị cáo yêu cầu hoặc từ chối người bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án tiến hành nghiên cứu và giải quyết vụ án, trong đó có việc tiến hành thủ tục bào chữa khi bị can, bị cáo khi họ nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; bị can, bị cáo có thể nhờ người bào chữa ở bất cứ thời điểm nào nhưng không được gây cản trở cho việc giải quyết, xét xử vụ án; họ có thể nhờ sau khi khởi tố bị can, trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, trước khi mở phiên tòa hoặc có thể tại phiên tòa. Sau khi đầy đủ thủ tục, Tòa án phải thông báo đăng ký bào chữa cho người bào chữa.
Ngoài ra đối với một số trường hợp chỉ định, Tòa án có yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo; thông thường hoạt động này thực hiện trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án hỏi bị cáo về việc nhờ người khác bào chữa hay chấp nhận người bào chữa do Tòa án chỉ định. Trường hợp chấp nhận thì Tòa án tiến hành xét xử theo thủ tục, trường hợp bị cáo không chấp nhận thì họ có quyền nhờ người khác bào chữa và tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định chung. Tòa án phải thông báo bào chữa khi người bào chữa hoàn thiện thủ tục, tạo điều kiện cho họ nghiên cứu hồ sơ và tiến hành xét xử theo kế hoạch. Người bào chữa mà bị cáo nhờ phải có nghĩa vụ nghiên cứu nắm hồ sơ để bảo về quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho bị cáo.
Tuy nhiên, trong quá trình phiên tòa đang diên ra xảy các tình huống sau:
- Bị cáo không nhờ người bào chữa hoặc từ chối người bào chữa ở các giai đoạn tố tụng, không nhờ người bào chữa khi Chủ tọa phiên tòa hỏi trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa nhưng trong phần tranh luận khi bị cáo thấy đuối lý và cần có nhiều nội dung cần nhờ người bào chữa để giúp đỡ về pháp luật, bị cáo có yêu cầu người bào chữa.
- Bị cáo muốn thay đổi người bào chữa do nhận thấy người bào chữa không đảm bảo được quyền và lợi ích của mình.
- Người đại diện hợp pháp của bị cáo muốn yêu cầu người bào chữa nhưng bị cáo lại từ chối.
Theo Điều 31 khoản 4 Hiến pháp 2013 thì “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”
Cũng theo Điều 61 khoản 2 điểm g BLTTHS 2015 thì bị cáo có quyền “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa”. Theo đó, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, bị cáo có quyền yêu cầu người bào chữa khi chưa có người bào chữa.
Tuy nhiên, nhiều phiên tòa diễn đang ra bị cáo thực hiện quyền yêu cầu bào chữa và yêu cầu của họ có được chấp nhận hay không? Xung quanh vấn đề thực hiện quyền nhờ người bào chữa của bị cáo tại phiên tòa xét xử, nảy sinh nhiều tranh cãi trong việc thực hiện:
Quan điểm thứ nhất: HĐXX chấp nhận yêu cầu của bị cáo là có người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân mình. Khi đó, HĐXX có thể hội ý nhanh và đưa ra quyết định chấp nhận yêu cầu của bị cáo hoặc phiên tòa sẽ tạm ngừng và sẽ làm thủ tục đăng ký bào chữa, đồng thời để người bào chữa nghiên cứu hồ sơ (nếu họ đảm bảo nghiên cứu được trong thời hạn ngày ngừng phiên tòa). Nếu việc này không thể được thực hiện ngay được thì HĐXX phải vào phòng nghị án họp bàn và quyết định hoãn phiên tòa; đồng thời tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa, người bào chữa nghiên cứu hồ sơ và mở lại phiên tòa theo quy định.
Quan điểm thứ hai: HĐXX không chấp nhận yêu cầu có người bào chữa của bị cáo vì cho rằng trước khi phiên tòa diễn ra bị cáo đã được phổ biến quyền, nghĩa vụ của mình. Trong đó có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa những bị cáo đã từ chối người bào chữa (trong trường hợp chỉ định hoặc người bào chữa do bị cáo nhờ), bị cáo đã từ chối, tự tước bỏ quyền của mình mà pháp luật ghi nhận. Cũng theo quy định tại BLTTHS thì trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Khi phiên tòa đang diễn ra bị cáo yêu cầu người bào chữa là tùy tiện, không đảm bảo chất lượng bào chữa.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất: Bởi Hiến pháp cũng quy định bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Đây là quyền bất khả xâm phạm, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để bị cáo thực hiện quyền này.
Trong chiến lược cải cách tư pháp, xác định vai trò trung tâm của Tòa án với nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân thì bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của bị cáo là vô cùng cần thiết, việc thực hiện quyền đó được thực hiện ở mọi giai đoạn tố tụng kể cả khi phiên tòa đang diễn ra. Là quyền không thể tách rời đối với người bị buộc tội; mặc dù pháp luật quy định trường hợp họ tự bào chữa thì có quyền sao chụp tài liệu, nhưng đối với họ bị đã bị hạn chế một số quyền tự do, nhất là bị áp dụng biện pháp tạm giam thì việc thực hiện quyền thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo vệ mình là rất khó khăn; nên dù bị cáo có đào tạo bài bản về pháp luật thì họ rất khó tranh tụng để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó cần một người có khả năng bảo vệ quyền và lợi ích của mình là người bào chữa. Bị cáo có thể yêu cầu người bào chữa ngay tại phiên tòa và Tòa án có trách nhiệm để bị cáo thực hiện quyền luật định này.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng phải đảm bảo các thủ tục chặt chẽ để họ thực hiện quyền này; tránh trường hợp lợi dụng thực hiện quyền này để gây rối, kéo dài, gây khó khăn cho việc xét xử kết thúc vụ án. Theo quan điểm của chúng tôi, Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu của bị cáo khi khi yêu cầu đó phù hợp và không trái pháp luật như: Trường hợp nếu người bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định trước khi mở phiên tòa bị cáo đồng ý để họ bào chữa, nhưng tại phiên tòa bị cáo cần thuê người bào chữa khác; trước khi mở phiên tòa bị cáo không nhờ người bào chữa và tại phiên tòa bị cáo có nhu cầu nhờ người bào chữa; tại phiên tòa bị cáo bất đồng với người bào chữa hoặc người bào chữa nhiều lần vắng mặt và có lý do khác cho rằng bị cáo cần thiết nhờ người bào chữa khác để bào chữa; lý do khách quan người bào chữa không thể tiếp tục tham gia vụ án (do sức khỏe, tính mạng không đảm bảo).
Quyền bào chữa của bị cáo là quyền hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền đó, được thực hiện ở bất cứ giai đoạn nào của tố tụng hình sự kể cả khi phiên tòa đang diễn ra. Tuy nhiên, để có căn cứ áp dụng thống nhất pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình cải cách tư pháp và hoàn thiện pháp luật, cơ quan có thẩm quyền, cần có hướng dẫn cụ thể về chế định này.
Nguồn: Tạp chí Tòa án