25/11/2023 17:55

Yêu cầu kỹ thuật đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt

Yêu cầu kỹ thuật đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt

Tôi muốn hỏi bình bột chữa cháy tự động kích hoạt là gì? Yêu cầu kỹ thuật đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt thế nào?_Xuân Nghị(Hà Nội)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1.  Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt là gì?

Theo quy định tại Mục 3.1 Tiêu chuẩn TCVN 12314-1:2018 thì bình bột chữa cháy tự động kích hoạt là bình chữa cháy sử dụng chất chữa cháy là bột chữa cháy và tự động kích hoạt khi có tác động của nhiệt độ môi trường hoặc ngọn lửa của đám cháy đủ lớn vượt quá ngưỡng tác động kích hoạt (nhiệt độ làm việc).

Việc phun chất chữa cháy có thể được thực hiện bằng:

- Khí đẩy nén trực tiếp trong bình (áp suất bên trong bình chứa chất chữa cháy không đổi)

- Hoạt động của chai khi đẩy (sự tăng áp tại thời điểm sử dụng bằng cách giải phóng khí có áp trong một chai chứa riêng có áp suất cao).

- Đồng thời, bình bột chữa cháy tự động kích hoạt được thiết kế có cơ cấu treo(trần, tường, dưới mái...).

Nguyên lý hoạt động của bình bột chữa cháy tự động kích hoạt

Theo quy định tại Mục 3.3 và Mục 3.3.1 Tiêu chuẩn TCVN 12314-1:2018 thì bình bột chữa cháy tự động kích hoạt hoạt động trên nguyên lý cảm biến cụ thể:

- Bộ phận tự động nhận tác động của nhiệt hoặc ngọn lửa của đám cháy nhờ phần tử phản ứng nhiệt.

- Phần tử phản ứng nhiệt có thể là kim loại dễ nóng chảy hoặc bầu thủy tinh.

- Bộ phận có chi tiết tự động nóng chảy do tác động của nguồn nhiệt hoặc ngọn lửa của đám cháy.

2. Yêu cầu kỹ thuật đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt

Yêu cầu chung đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt

Theo Mục 4.1 Tiêu chuẩn TCVN 12314-1:2018 quy định yêu cầu chung đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt như sau:

- Dễ dàng vận hành, kiểm tra và bảo trì, có cấu trúc bền theo thời gian.

- Không gây nguy hiểm cho người sử dụng.

- Việc gắn các phụ kiện phải không làm ảnh hưởng đến chức năng của thiết bị và không bị long, hỏng khi sử dụng thiết bị.

- Tất cả các bộ phận cần tháo bỏ khi vận hành phải có khả năng tháo rời dễ dàng mà không làm ảnh hưởng đến việc phun bột chữa cháy.

- Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt phun chất chữa cháy bằng khí đẩy nén trực tiếp trong bình phải được trang bị áp kế để chỉ báo giá trị áp suất trong bình.

- Tổng khối lượng của bình bột chữa cháy tự động kích hoạt phải đảm bảo sai số không quá ± 5% của chỉ số thiết kế.

- Cơ cấu treo bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo phải đảm bảo chắc chắn, an toàn.

- Khi thử nghiệm theo quy định tại Mục 5.4 Tiêu chuẩn TCVN 12314-1:2018, hiệu quả phun và thời gian phun phải tuân theo các yêu cầu sau:

+ Góc phun phải thích hợp với việc chữa cháy

+ Lượng bột chữa cháy được phun ra khỏi bình phải lớn hơn 90 % khối lượng hoặc thể tích được nạp.

+ Thời gian phun bột chữa cháy phải trong phạm vi ± 30 % so với giá trị thiết kế (giá trị ghi tại nhãn và tài liệu kỹ thuật của bình).

- Hiệu quả dập tắt đám cháy

+ Bình bột chữa cháy tự động kích hoạt loại treo phải phù hợp với tất cả thử nghiệm chữa cháy loại A và loại B được mô tả tại Mục 5.5.1, 5.5.2, 5.5.3 Tiêu chuẩn TCVN 12314-1:2018 mỗi thử nghiệm tiến hành 01 lần duy nhất đối với một lô sản phẩm.

Yêu cầu kỹ thuật về chất liệu bình bột chữa cháy tự động kích hoạt

Theo Mục 4.3.2 Tiêu chuẩn TCVN 12314-1:2018 quy định chất liệu bình bột chữa cháy tự động kích hoạt như sau:

- Bình bằng thép các bon thấp hàn

+ Vật liệu chế tạo bình phải có khả năng hàn được và phải có hàm lượng lớn nhất theo khối lượng của các bon là 0,25 %, của lưu huỳnh là 0,05 % và của phốt pho là 0,05 %.

+ Vật liệu điền đầy mối hàn phải tương thích với thép để tạo cho mối hàn có các tính chất tương đương với các tính chất quy định cho tấm thép cơ bản.

+ Ứng suất của thân bình chữa cháy (S) hình trụ hoặc hình cầu được tính toán theo công thức dưới đây không được nhỏ hơn 80 % điểm chảy dẻo lớn nhất hoặc độ bền đứt lớn nhất của vật liệu thân bình. Trong trường hợp này, độ bền đứt đo được lớn nhất của vật liệu sẽ được sử dụng nếu như không có thông số kỹ thuật chính thức của nhà sản xuất nêu rõ điểm chảy dẻo lớn nhất hoặc độ bền đứt lớn nhất.

++ Đối với bình có dạng hình trụ: S = P.d/2t

++ Đối với bình có dạng hình cầu: S = P.d/4t

Trong đó:

d là đường kính ngoài của bình hoặc là đường chéo lớn nhất của thân bình chữa cháy đối với các thân bình không phải là hình trụ, tính bằng mm;

P là áp lực thử bình, tính bằng MPa.

t là chiều dày của vỏ bình, tính bằng mm.

- Bình bằng thép không gỉ

+ Các nắp và đáy bình bằng thép không gỉ phải được dập vuốt từ phôi đã được ủ hoàn toàn

+ Chỉ được sử dụng thép không gỉ austenit có hàm lượng các bon lớn nhất 0,03 % theo khối lượng

Chú thích: Một ví dụ về thép không gỉ trên là ASTM A240, loại 304L (ký hiệu của UNS là S30403).

- Bình bằng nhôm

+ Bình bằng nhôm phải có kết cấu không ghép nối, không hàn.

- Bình bằng các vật liệu khác phải phù hợp với tiêu chuẩn bình chịu áp lực cũng như các yêu cầu về áp suất làm việc, áp suất nổ nhỏ nhất.

Xem chi tiết tại Tiêu chuẩn TCVN 12314-1:2018.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
195

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn