28/02/2024 18:17

Yêu cầu chung đối với vườn lưu giữ giống gốc cây lâm nghiệp theo TCVN 13701:2023

Yêu cầu chung đối với vườn lưu giữ giống gốc cây lâm nghiệp theo TCVN 13701:2023

Cho tôi hỏi rằng vườn lưu giữ giống gốc các cây lâm nghiệp như cây keo, cây bạch đằng cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào? Anh Tường Vũ (Quảng Trị).


Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thế nào là giống gốc?

Theo TCVN 13701:2023, giống gốc là giống được nhân lần đầu từ cây trội, cây đầu dòng của một số giống đã được công nhận hoặc giống phục tráng, bao gồm: hạt giống, củ giống, rễ, thân, cành, mắt ghép, chồi hoặc mô, cây mô trong bình và cây con).

Giống gốc được dùng để làm vật liệu nhân giống hoặc xây dựng các vườn giống, rừng giống.

2. Yêu cầu kỹ thuật chung đối với vườn lưu giữ giống gốc cây lâm nghiệp

Vườn lưu giữ giống gốc các cây lâm nghiệp cần đáp ứng yêu cầu chung theo TCVN 13701:2023 như sau:

+ Về đều kiện lập địa: Địa điểm xây dựng vườn lưu giữ phải có điều kiện sinh thái phù hợp với loài cây trồng;

+ Về thiết kế bố trí cây trồng: Cây trồng được bố trí theo khối riêng rẽ, theo từng giống, tối thiểu 10 cây/giống lưu giữ;

+ Về nguồn gốc giống: Giống đã được công nhận;

+ Về tình trạng sâu, bệnh hạ: Không có dấu hiệu bị sâu, bệnh hại;

+ Về tỷ lệ sống: Cần tối thiểu 90% (trong giai đoạn đầu tư);

+ Về biển tên giống: Biển tên các giống được đặt ở đầu hàng cây gồm: ký hiệu giống, nguồn gốc của giống, thời gian trồng;

+ Về hồ sơ vườn lưu giữ: Hồ sơ bao gồm: sơ đồ thiết kế, danh sách các giống, nguồn gốc của giống, ngày trồng, số lượng cây, nhật ký chăm sóc và bón phân.

3. Phương pháp xác định các chỉ tiêu của vườn lưu giữ giống gốc các cây lâm nghiệp

Căn cứ theo TCVN 13701:2023, các chỉ tiêu của vườn lưu giữ giống gốc các cây lâm nghiệp được xác định theo từng phương pháp như sau:

+ Nhiệt độ trung bình năm (°C): Căn cứ số liệu tại trạm khí tượng thủy văn gần nhất nơi gây trồng trong thời gian 3 năm.

+ Lượng mưa trung bình năm (mm): Căn cứ số liệu tại trạm khí tượng thủy văn gần nhất nơi gây trồng trong thời gian 3 năm

+ Số tháng có lượng mưa lớn hơn 100 mm (tháng): Căn cứ số liệu tại trạm khí tượng thủy văn gần nhất nơi gây trồng trong thời gian 3 năm

+ Độ dày tầng đất (cm): Chọn vị trí đại diện, đào 01 phẫu diện, đo trực tiếp bằng thước

+ Thành phần cơ giới: Xác định theo bản đồ thổ nhưỡng và dữ liệu hồ sơ đã có về thành phần cơ giới đất của khu vực, kết hợp kiểm tra trực tiếp tại hiện trường vườn lưu giữ giống gốc.

Trường hợp chưa xác định được sẽ lấy mẫu đất phân tích theo phương pháp sau:

++ Phương pháp lấy mẫu đất theo TCVN 7538-2:2005 (ISO 10381 - 2 : 2002)

++  Phương pháp xác định thành phần cơ giới đất theo TCVN 8567: 2010.

+ Độ cao so với mực nước biển (m): Sử dụng GPS cầm tay kết hợp bản đồ địa hình

+ Độ dốc (°): Sử dụng thiết bị đo độ dốc chuyên dùng với sai số không quá 1%, đo ngẫu nhiên tại ít nhất 03 điểm trong vườn.

+ Thiết kế bố trí cây trồng: Quan sát, đối chiếu sơ đồ thiết kế và thực tế tại hiện trường vườn

+ Cự ly trồng: Kiểm tra hồ sơ thiết kế và tại hiện trường vườn: lựa chọn 3 hàng, sử dụng thước đo, đo cự ly của 4 cây liên tiếp ở giữa hàng trong mỗi hàng đã chọn.

+  Kích thước hố: Dùng thước dây đo trực tiếp tại hiện trường vườn

+ Bón phân: Xác định qua hồ sơ/nhật ký xây dựng, thiết kế và kiểm tra tại hiện trường vườn

+ Chăm sóc: Xác định qua hồ sơ/nhật ký xây dựng, thiết kế và kiểm tra tại hiện trường vườn

+ Thời gian lưu giữ giống: Xác định qua hồ sơ/nhật ký xây dựng, thiết kế và kiểm tra tại hiện trường vườn

+ Nguồn gốc giống: Xác định qua hồ sơ/nhật ký xây dựng vườn lưu giữ; hoặc dùng chỉ thị phân tử để đánh giá nguồn gốc giống.

+ Tình trạng sâu, bệnh hại: Quan sát trực tiếp tại hiện trường vườn

+ Tỷ lệ sống: Đếm số cây sống, tính theo công thức: Tỷ lệ sống = số cây hiện tại/số cây trồng ban đầu x 100%

+ Biển tên giống: Quan sát trực tiếp tại hiện trường vườn và xác định qua hồ sơ xây dựng, thiết kế

+ Hồ sơ vườn lưu giữ: Quan sát trực tiếp tại hiện trường vườn, kiểm tra đối chiếu với hồ sơ vườn.

* Lưu ý rằng TCVN 13701:2023 chỉ áp dụng đối với vườn lưu giữ giống gốc nhóm các loài keo (keo lai, Keo lá tràm, Keo tai tượng, Keo chịu hạn), nhóm các loài bạch đàn (bạch đàn lai, Bạch đàn uro, Bạch đàn camal), nhóm các loài tràm (Tràm trà, Tràm năm gân, Tràm lá dài, Tràm cajuputi lấy tinh dầu) và Mắc ca đã được công nhận giống.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
314

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]