25/11/2023 15:10

Xuyên tạc là gì? Đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội bị xử phạt thế nào?

Xuyên tạc là gì? Đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội bị xử phạt thế nào?

Tôi thấy nhiều người dụng mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin xuyên tạc. Vậy, hành vi trên bị xử phạt hành chính như thế nào? Văn Dũng – Quảng Ninh.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Xuyên tạc là gì?

Xuyên tạc có thể được hiểu là hành vi cung cấp thông tin sai lệch, bịa đặt, bóp méo sự thật về một sự kiện, vấn đề nào đó nhằm mục đích gây hiểu lầm, hoang mang, gây tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức hoặc xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Xuyên tạc có thể được thực hiện dưới hình thức như:

- Nói sai sự thật: Đây là hình thức xuyên tạc phổ biến nhất. Người thực hiện hành vi này sẽ cung cấp những thông tin sai lệch, không đúng với sự thật về một sự kiện, vấn đề nào đó.

- Bịa đặt: Đây là hình thức xuyên tạc nghiêm trọng hơn. Người thực hiện hành vi này sẽ tạo ra những thông tin hoàn toàn không có thật về một sự kiện, vấn đề nào đó.

- Bóp méo sự thật: Đây là hình thức xuyên tạc tinh vi hơn. Người thực hiện hành vi này sẽ cố tình che giấu, không cung cấp những thông tin quan trọng, cần thiết hoặc cung cấp những thông tin không chính xác, không khách quan về một sự kiện, vấn đề nào đó.

2. Đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội bị xử phạt thế nào?

Tại Điều 99, Điều 100, Điều 101, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi của trang thông tin điện tử: Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật, buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội: Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội. Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật, buộc thu hồi tên miền.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi sau:  Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đồng thời, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

-  Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối hành vi: Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài ra, cá nhân có hành vi xuyên tạc như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức:

Điều 4. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, mức phạt tiền đối với các hành vi xuyên tạc thông tin, đưa tin giả mạo, sai sự thật lên mạng xã hội: từ 10.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng, tùy thuộc vào hành vi vi phạm. Ngoài ra, còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, gỡ bỏ thông tin vi phạm, thu hồi tên miền...

Bên cạnh đó, đối với cá nhân có hành vi tương tự tổ chức thì bị phạt 1/2 mức phạt tiền của tổ chức.

3. Nguyên tắc bồi thường dân sự do hành vi xuyên tạc gây ra

Theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 cá nhân đăng tải, chia sẻ các thông sai sự thật, xuyên tạc, trái pháp luật gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người khác thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu cá nhân đó bồi thường thiệt hại như sau

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài chịu trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trên, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng.

Nguyễn Ngọc Trầm
1857

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn