Hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Tuy nhiên có thể hiểu xúc phạm danh dự nhân phẩm là dùng những lời lẽ thô bỉ, tục tĩu đế nhục mạ nhằm hạ uy tín gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho người khác.
Tuỳ theo tính chất, mức độ của từng vụ việc có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại bản án 375/2020/DS-PT ngày 22/12/2020 về yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, có nội dung tóm tắt như sau:
‘’Ngày 30/6/2019 anh T, chị N có đến nhà của anh T1 (anh ruột của anh T) và chị M dự lễ tốt nghiệp của con anh T. Sau khi về nhà thì chị M có gọi điện thoại báo là nhà bị mất trộm và đã trình báo Công an ngày. Sau đó anh T1, chị M gọi điện thoại nói anh T và chị N là người lấy trộm, dùng những lời lẽ thô tục chửi, lăng mạ và nói không trả đe dọa sẽ đâm chết anh T, chị N gây hoang mang cho cả gia đình anh T, chị N, không an tâm làm việc trong thời gian dài. Do quá sợ hãi nên anh chị có báo vụ việc với Công an xã Phú Long, huyện Châu Thành. Vụ việc đã được Công an xã Long Thắng xử phạt vi phạm hành chính bằng Quyết định số 01/QĐ-XPHC, 02/QĐ-XPHC.
Nay anh T và chị N yêu cầu tòa án giải quyết buộc ông T1 và bà M liên đới trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần cho anh T, chị N mỗi người 10 tháng lương cơ sở là 14.900.000 đồng, người và yêu cầu anh T1 và chị M công khai xin lỗi anh T và chị N.
Tại quyết định bản án sơ thẩm, Tòa án tuyên xử buộc ông T1 và bà M liên đới trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần cho anh T, chị N mỗi người 02 tháng lương cơ sở, và không xem xét vấn đề công khai xin lỗi do không thuộc thẩm quyền.
Anh T và chị N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu anh T1, chị M phải bồi thường tổn thất tinh thần cho mỗi người 09 tháng lương cơ sở và công khai xin lỗi anh T và chị N.
Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định về việc bồi thường và không chấp nhận yêu cầu buộc anh T1 và chị M công khai xin lỗi’’.
Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một cá nhân sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau: ‘’Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự,nhân phẩm của người khác’’.
Hoặc Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân (điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Trong vụ án này, anh T1 và chị M đã bị Công an xã Long Thắng xử phạt vi phạm hành chính bằng Quyết định số 01/QĐ-XPHC, 02/QĐ-XPHC.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật dân sự và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. (Theo Điều 592 Bộ luật dân sự).
Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. (Theo Khoản 5 Điều 34 Bộ luật dân sự)
Trong vụ án này, xét thấy tính chất vụ việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mặc dù có ảnh hưởng đến tinh thần của người bị xúc phạm nhưng không gây ảnh hưởng đến công việc. Vì vậy, Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm quyết định mức bồi thường là 02 tháng lương cơ sở cho mỗi người là hợp lí.
Về yêu cầu công khai xin lỗi: Ban đầu, tòa án sơ thẩm không xem xét yêu cầu này của anh T và chị N vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết là chưa phù hợp. Bởi mỗi cá nhân đều được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín, quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015. Cấp phúc thẩm đã thụ lý giải quyết nhưng cho rằng anh T và chị N không đưa ra được chứng cứ chứng minh anh T1 và chị M có những lời lẽ, xúc phạm mình tại nơi công cộng. Vụ việc không ảnh hưởng lớn về mặt xã hội, anh T và chị N vẫn thực hiện tốt công tác, không ai kỳ thị xa lánh. Bên cạnh đó, anh T1 và chị M đã nhận thấy hành vi của mình là sai trái và cũng đã xin lỗi anh T và chị N tại phiên hòa giải. Vì vậy, cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu công không xin lỗi tại chợ Long Thắng.
Những hành vi xúc phạm người khác mang tính chất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật hình sự.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Có thể thấy, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến danh dự người khác là không đúng đắn về mặt đạo đức và pháp luật.
Các cá nhân cần nhận thức rõ về hành vi của mình, có tinh thần pháp luật tốt nhằm tạo nếp sống văn minh và lành mạnh.