19/09/2019 07:54

Xử phạt hành chính trong vụ án hình sự

Xử phạt hành chính trong vụ án hình sự

Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự, hành chính và thực tiễn xét xử các vụ án hình sự tại tòa án, tác giả nêu một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.

Có xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm của bị cáo?

Trong một số  vụ án hình sự như: trộm cắp tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy… thì ngoài thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo còn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị cáo thực hiện có bị xử phạt hành chính không.

Vụ án thứ nhất: Ngày 13/4/2019, Nguyễn Văn A cùng với Trần Văn B đột nhập vào khu vực đậu xe của công ty X và đã lấy trộm 03 cái bình ắc quy theo kết luận định giá là 3.500.000 đồng. Sau đó, A và B bị bắt để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Qua trình điều tra, A và B còn khai nhận trước đó ngày 10/4/2019, A và B có đột nhập vào khu vực bãi đậu xe của công ty X và có trộm 01 bình ắc quy bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Kết luận định giá thì 01 bình ắc quy trộm ngày 10/4/2019 trị giá 1.400.000 đồng. Tòa án nhân dân huyện Y đã xét xử bị cáo A và B về tội “trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi trộm cắp tài sản ngày 13/4/2019.

Vụ án thứ hai: Ngày 09/5/2019, Nguyễn Văn C bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong quá trình làm việc, C khai nhận vừa mới sử dụng ma túy trước khi bị bắt quả tang. Kiểm tra chất ma túy trên người C cho kết quả dương tính với ma túy. Tòa án nhân dân huyện Y xét xử bị cáo Nguyễn Văn C về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Qua hai vụ án trên thì thấy rằng, hành vi trộm cắp tài sản ngày 10/4/2019 của A và B và hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của C vào ngày 09/5/2019 không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hành vi này của A, B, C có phải bị xử phạt hành chính không thì có hai quan điểm khác nhau.

Theo quan điểm thứ nhất: Mặc dù hành vi trộm cắp tài sản của A, B vào ngày 10/4/2019 và hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của C vào ngày 09/5/2019 là trái pháp luật, tuy nhiên, cả A, B, C đều đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản ngày 13/4/2019 và hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuy túy ngày 09/5/2019 nên các hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự của A, B và C cần thu hút vào trong vụ án hình sự và không cần thiết phải xử phạt hành chính đối với các hành vi này.

Theo quan điểm thứ hai: Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cho nên hành vi trộm cắp tài sản ngày 10/4/2019 của A và B; hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy ngày 09/5/2019 của C không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên phải bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, tòa án khi xét xử vụ án hình sự cần đề nghị người có thẩm quyền xử phạt hành chính xem xét xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản của A và B theo khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của C theo khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Bị cáo trước đó bị xử phạt vi phạm vi hành chính, sau đó tiếp tục tục hiện nhiều hành vi vi phạm khác nhưng tất cả không cấu thành tội phạm thì có áp dụng tình tiết “phạm tội từ 02 lần trở lên” không?

Trong nhiều vụ án hình sự, có thể một người phạm tội thực hiện không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (như trộm cắp dưới 2.000.000 đồng…) nhưng trước đó họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì hành vi trộm cắp này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, nếu sau khi bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà sau đó người này thực hiện nhiều hành vi chiếm đoạt tài sản (như trộm cắp tài sản) nhưng tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng thì có áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” không. Vấn đề này thực tiễn hiện nay còn nhận thức khác nhau.

Ví dụ: Ngày 12/02/2019, Hoàng Văn H bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản với mức phạt là 1.500.000 đồng theo điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Sau khi đã nộp phạt xong, ngày 01/5/2019, Hoàng Văn H có hành vi trộm cắp tài sản của bà K. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện X kết luận: Tài sản Hoàng Văn H trộm cắp của bà K trị giá là 1.850.000 đồng. Hoàng Văn H bị khởi tố tội “trộm cắp tài sản”.

Quá trình điều tra, H còn khai nhận trước đó là ngày 27/3/2019, H có lẻn vào nhà của bà K trộm cắp 02 con gà trống (theo Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện X kết luận: 02 con gà trống trị giá 400.000 đồng). Vụ án được chuyển đến Tòa án nhân dân huyện X.

Vậy Hoàng Văn H có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” đối với Hoàng Văn H. Vì điểm a khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;”.

Từ quy định này có thể hiểu, nếu một người đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng thì phạm tội “trộm cắp tài sản”.

Như vậy, ngày 27/3/2019, Hoàng Văn H có hành vi trộm cắp hai con gà trống của bà K trị giá 400.000 đồng là đã phạm tội “trộm cắp tài sản”. Nhưng hành vi trộm cắp tài sản chưa bị kết tội nên ngày 01/5/2019, H tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản của bà K trị giá 1.850.000 đồng nên hành vi trộm cắp tài sản này của H cũng phạm tội “trộm cắp tài sản”.

Quan điểm thứ hai cho rằng, không áp dụng tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” đối với Hoàng Văn H vì các lý do sau:

Thứ nhất, do Hoàng Văn H đã bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản vào ngày 12/02/2019 nên ngày 27/3/2019 Hoàng Văn H có hành vi trộm cắp hai con gà trống của bà K trị giá 400.000 đồng là đã phạm tội “trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, nếu cho rằng lần trộm cắp tài sản của H vào ngày 01/5/2019 cũng phạm tội “trộm cắp tài sản” thì sẽ không công bằng và ảnh hưởng đến quyền lợi của H. Giả sử, trong trường hợp H bị kết án về tội “trộm cắp tài sản” do thực hiện hành vi trộm cắp 02 con gà trống của bà K nhưng sau đó H có hành vi trộm cắp tài sản của bà K dưới 2.000.000 đồng thì H cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản của bà K lần thứ hai.

Thứ hai, tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được áp dụng cho lần trộm cắp tài sản ngày 27/3/2019 nên không thể tiếp tục áp dụng cho lần trộm cắp tài sản ngày 01/5/2019.

Thời gian tạm đình chỉ điều tra bị can, tạm đình chỉ vụ án có tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính không.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:

“1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:

Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:

Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt”.

Như vậy, đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhiều vụ án hình sự khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án thì đã quá thời hạn 01 năm kể từ ngày xảy ra hành vi phạm tội. Một trong những nguyên nhân là phải tạm đình chỉ vụ án do bị can/bị cáo bỏ trốn và phải tiến hành truy nã.

Ví dụ: Ngày 10/6/2018, do có mâu thuẫn từ trước, A và B đã ẩu đả với nhau. Kết quả là A gây thương tích cho B. Quá trình điều tra, ngày 10/10/2018, cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ bị can do thời hạn điều tra đã hết và phải chờ kết quả giám định tỷ lệ thương tật của B. Tòa án nhân dân huyện X quyết định đưa vụ án ra xét xử A về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa ngày 15/6/2019, bị hại B rút lại đơn yêu cầu khởi tố vụ án nên Tòa án nhân dân huyện X ra quyết đình chỉ vụ án. Trường hợp này, theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ vụ án, Tòa án phải chuyển quyết định đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Vấn đề đặt ra là thời gian cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra bị can có tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hay không thì còn quan điểm khác nhau.

Theo quan điểm thứ nhất, Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định thời gian giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được tin.

Theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 02 tháng. Nếu gia hạn thì cũng không quá 02 tháng. Như vậy, thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 04 tháng.

Theo quy định tại Điều 240 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn ra quyết định truy tố đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 20 ngày. Nếu cần gia hạn thời gian truy tố thì không quá 10 ngày. Như vậy, thời hạn truy tố đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 30 ngày.

Theo quy định tại Điều 277 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 30 ngày. Trường hợp cần gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thì không quá 15 ngày. Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 45 ngày.

Từ các quy định trên thấy rằng, tổng thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét giải quyết đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 10 tháng, cho nên thời gian tạm đình chỉ điều tra bị can không được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quan điểm thứ hai, tại điểm c khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định là thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, pháp luật không có quy định cụ thể những trường hợp không tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, từ ngày 10/6/2018 đến ngày 15/6/2019 là quá thời hạn 01 năm nên căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với A.

Thời hiệu xử phạt hành chính đã hết thì tòa án có chuyển hồ sơ để xử phạt hành chính không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính”. Tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định như sau: “1.Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây: c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này”.

Vấn đề đặt ra là nếu thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết thì cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án có phải chuyển hồ sơ và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không. Vấn đề này có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, do thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết nên thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, nếu thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết thì cơ quan tiến hành tố tụng không cần thiết phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để đề nghị xử phạt vi phạm hành chính.

Quan điểm thứ hai cho rằng, khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định sau khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng là chuyển các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án và kèm theo hồ sơ để đề nghị xử phạt vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền xử phạt hành chính có trách nhiệm xem xét có ra quyết định xử phạt hay không. Do đó, mặc dù thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Nếu quyết định đình chỉ vụ án của tòa án chưa có hiệu lực pháp luật thì tòa án có phải chuyển quyết định đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt hành chính không?

Liên quan vấn đề này, thực tiễn có vướng mắc giữa quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 333 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 337 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của tòa án sơ thẩm là 07 ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày tòa án ra quyết định.

Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu thời hiệu xử phạt hành chính còn ít hơn hoặc bằng 03 ngày mà cơ quan tiến hành tố tụng không chuyển hồ sơ và đề nghị xử phạt hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt hành chính thì thời hiệu xử phạt hành chính hết nên không ra quyết định xử phạt hành chính được.

Nhưng nếu tòa án chuyển quyết định đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ và đề nghị xử phạt đến người có thẩm quyền xử phạt hành chính mà người có quyền kháng cáo kháng cáo hoặc viện kiểm sát kháng nghị do thời hạn kháng cáo, kháng nghị vẫn còn thì lại nảy sinh thêm nhiều vấn đề khác phải giải quyết (như người có thẩm quyền xử phạt hành chính đã ra quyết định xử phạt hành chính thì mới có kháng cáo, kháng nghị); hoặc thời hạn để ra quyết định xử phạt hành chính đã hết mà tòa án cấp phúc thẩm chưa xét xử phúc thẩm do có kháng cáo, kháng nghị…

Nguồn: Theo Luật sư Online Việt Nam

27929

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]