17/01/2023 12:29

Xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết

Xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết

Mỗi năm vào dịp tết thì nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao bên cạnh đó vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là điều người tiêu dùng quan tâm nhất. Tôi muốn hỏi hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm bị xử lý như thế nào?_"Thái Hòa(Đồng Nai)"

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Thực phẩm những ngày Tết được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc gây thiệt hại cho tính mạng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, an toàn thực phẩm dịp Tết là vấn đề rất được quan tâm.

1. Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là gì?

- Theo khoản 1 điều 2 Luật an toàn thực phẩm năm 2010: An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Như vậy, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

- Theo điều 6 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 quy định xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau:

+ Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

+ Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

+ Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.

2. Quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trong Bộ luật Hình sự

Theo Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

..."

 

Theo đó:

- Khung hình phạt cơ bản: bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất:  bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

- Khung hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù.

3. Cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

- Khách thể của tội phạm

Nhà nước ban hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng của con người, vì thực phẩm là sản phẩm thiết yếu gắn liền với người dân. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm xâm phạm trực tiếp đến an toàn xã hội, trật tự quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người.

- Mặt khách quan của tội phạm

Tội phạm thực hiện một trong các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, bao gồm:

+ Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

+ Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy.

+ Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm.

+ Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng.

+ Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

+ Thực hiện một trong các hành vi trên hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Đối với hành vi này, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc.

 - Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý, người phạm tội nhận thức được thực phẩm không đảm bảo an toàn nhưng do cẩu thả hoặc tin rằng hậu quả tác hại không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn chế biến cung cấp cho người tiêu dùng, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác.

- Chủ thể của tội phạm

Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định và hoạt động trong lĩnh vực chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm.

4. Một số bản án về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Bản án về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm số 156/2021/HS-ST

Bản án 161/2020/HS-PT ngày 11/03/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Bản án 65/2020/HS-ST ngày 26/05/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Bản án 155/2020/HS-ST ngày 01/09/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Bản án 347/2020/HS-PT ngày 22/06/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Trân trọng!

Lê Huy
577

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn