10/10/2019 07:42

Xử lý vật chứng của vụ án là tài sản thế chấp như thế nào cho đúng?

Xử lý vật chứng của vụ án là tài sản thế chấp như thế nào cho đúng?

Trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 về xử lý vật chứng là phương tiện phạm tội còn khó khăn, vướng mắc và có nhiều quan điểm khác nhau. Sau đây, chúng tôi xin nêu một vụ án cụ thể:

Ngày 21/9/2018 và ngày 22/9/2018, Phan Ngọc R điều khiển xe ôtô tải đi trộm cắp tài sản là gỗ keo nguyên liệu. Công an đã thu giữ xe ô tô tải. Quá trình điều tra đã xác định được xe ô tô tải mà Phan Ngọc R dùng làm phương tiện đi trộm cắp là tài sản chung của vợ chồng R mua năm 2016 với số tiền là 137.000.000 đồng. Ngày 07/3/2018, Phan Ngọc R dùng xe ô tô tải thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn để vay số tiền 70.000.000 đồng, đến ngày 07/3/2019 thì hết hạn hợp đồng. Giấy tờ gốc của xe ô tô (đăng ký, đăng kiểm, chứng nhận bảo hiểm) do Ngân hàng quản lý. Phan Ngọc R bị Viện kiểm sát nhân dân huyện P truy tố về tội “trộm cắp tài sản”.

Trong vụ án này, có nhiều quan điểm khác nhau về việc xử lý vật chứng được thu giữ (xe ô tô tải)  như sau:

Quan điểm thứ nhất: Xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Phan Ngọc R được xác định là phương tiện phạm tội, R dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản, thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự 2015, điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước (nếu vợ Phan Ngọc R biết R dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản). Tịch thu ½ giá trị xe để sung vào ngân sách Nhà nước, trả lại cho vợ Phan Ngọc R ½ giá trị xe ô tô tải (nếu vợ R không biết R dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản). Việc Phan Ngọc R dùng xe ô tô tải để thế chấp tại Ngân hàng không làm mất đi quyền sở hữu của Phan Ngọc R khi Phan Ngọc R dùng làm phương tiện phạm tội thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai: Xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Phan Ngọc R, nhưng Phan Ngọc R đã dùng xe ô tô tải để thế chấp tại Ngân hàng vay số tiền là 70.000.000 đồng. Vì vậy, giao lại xe cho Ngân hàng để Ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo (vì đã hết thời hạn vay, nhưng Phan Ngọc R không có khả năng trả nợ).

Quan điểm thứ ba ( và cũng là quan điểm của chúng tôi): Xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Phan Ngọc R, nhưng Phan Ngọc R đã dùng xe ô tô tải để thế chấp tại Ngân hàng vay số tiền là 70.000.000 đồng. Tuy nhiên, xe ô tô tải mua ban đầu với số tiền là 137.000.000 đồng. Do đó, áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 BLHS 2015; điểm a khoản 1 Điều 106 BLTTHS 2015 tịch thu xe ôtô tải, giao cho Ngân hàng bán đấu giá để thu hồi số tiền mà bị cáo R đã vay là 70.000.000 đồng và tiền lãi (vì đã hết thời hạn vay, nhưng Phan Ngọc R không có khả năng trả nợ). Số tiền bán xe ôtô tải sau khi trừ tiền vay, lãi và chi phí bán đấu giá còn lại (nếu còn) chia đôi, trả cho vợ Phan Ngọc R ½ số tiền. Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước ½ số tiền (phần của Phan Ngọc R).

Trên đây là ý kiến của chúng tôi, rất mong nhận được sự đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

2064

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]