Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Phạt nguội là hình thức xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ được áp dụng đối với các trường hợp vi phạm được ghi lại bởi hệ thống camera giám sát hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng sẽ trích xuất biển số xe và gửi thông báo về cho công an địa phương để báo chủ xe biết để nộp phạt.
Ngoài việc trích xuất camera, hình thức phạt nguội còn có thể áp dụng khi có người gửi tư liệu vi phạm giao thông về cho lực lượng chức năng theo quy định tại Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA về việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Cụ thể, thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn sau:
- Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ);
- Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Chính vì thế, để đối phó với hình thức phạt nguội, nhiều người chủ xe xe đã cố tình làm mờ, bong tróc hoặc dán nhằm thay đổi một số con số của biển số xe, thậm chí là đi che biển số xe để tránh phạt nguội.
Những hành vi này của chủ xe làm cho camera khó ghi lại được đúng biển số xe. Gây nên tình trạng để lọt người vi phạm hoặc xử phạt nhằm chủ xe khác.
Căn cứ tại điểm d khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 10 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển
Như vậy, đối với hành vi che, dán, sửa biển số xe để tránh phạt nguội thì người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 300.000 đồng đến 6.000.000 đồng tùy vào phương tiện điều khiển và mức độ vi phạm. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, thì chủ xe còn phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của biển số theo đúng quy định pháp luật.
Có một số trường hợp sau khi nhận được thông báo xử phạt vi phạm giao thông, chủ xe lại không nộp phạt ngay dẫn đến việc nộp phạt trễ thời hạn quy định hoặc thậm chí là quên nộp phạt.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Như vậy, từ khi có quyết định xử phạt hành vi che, dán, sửa biển số xe từ lực lượng chức năng thì người vi phạm phải nộp phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp người vi phạm quên nộp phạt hoặc nộp trễ thì theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định như sau:
- Quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
- Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Do đó, nếu quá thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chủ xe vi phạm chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Và cứ mỗi ngày nộp phạt chậm thì chủ xe vi phạm phải nộp thêm 0.05% của tổng số tiền phải nộp phạt.