08/03/2024 16:56

Xử lý người phạm tội dựa trên nguyên tắc nào?

Xử lý người phạm tội dựa trên nguyên tắc nào?

Tôi muốn hỏi xử lý người phạm tội dựa trên nguyên tắc nào? Hình phạt đối với người phạm tội được quy định thế nào? “Văn Bằng – Sóc Trăng”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Xử lý người phạm tội dựa trên nguyên tắc nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì người phạm tội bị xử lý dựa trên các nguyên tắc sau:

- Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;

- Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;

- Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

- Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;

- Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;

- Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật Hình sự 2015 quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;

- Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

Như vậy, các nguyên tắc vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa mang tính răn đe, trừng trị tội phạm, vừa khuyến khích ăn năn hối cải, tái hòa nhập để hạn chế nguy cơ tái phạm. Ngoài ra, các nguyên tắ trên còn thể hiện tính minh bạch và sự khoan hồng khi có tình tiết giảm nhẹ phù hợp theo quy định của pháp luật.

2. Hình phạt đối với người phạm tội được quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015 thì các hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội như sau:

- Hình phạt chính bao gồm:

+ Cảnh cáo;

+ Phạt tiền;

+ Cải tạo không giam giữ;

+ Trục xuất;

+ Tù có thời hạn;

+ Tù chung thân;

+ Tử hình.

- Hình phạt bổ sung bao gồm:

+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

+ Cấm cư trú;

+ Quản chế;

+ Tước một số quyền công dân;

+ Tịch thu tài sản;

+ Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;

+ Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

- Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Như vậy, người phạm tội bị có thể bị áp dụng hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ có thể bị áp dụng một hình phạt chính, nhưng có thể kết hợp với một hoặc nhiều hình phạt bổ sung tùy theo tính chất, mức độ của tội phạm.

3. Tòa án căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định hình phạt?

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 thì căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội được xác định dựa trên các yếu tố sau:

- Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. (*)

- Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại (*), Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

Như vậy, Tòa án phải căn cứ đầy đủ vào quy định của Bộ luật Hình sự, đặc điểm vụ án, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mới đưa ra quyết định hình phạt đúng người, đúng tội.

Hứa Lê Huy
208

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn