17/09/2018 11:03

Xóa án tích cho tội Cướp tài sản phải làm thế nào?

Xóa án tích cho tội Cướp tài sản phải làm thế nào?

Bộ luật Hình sự quy định chế định xóa án tích (người được xóa án tích coi như chưa bị kết án) nhằm “giải thoát” cho người đã chấp hành xong hình phạt khỏi những hậu quả pháp lý kéo dài. Tuy nhiên, một số người đã không quan tâm đến thủ tục này, làm ảnh hưởng đến chính quyền lợi bản thân họ.

Án tích là gì? Trường hợp đương nhiên xóa án tích

Án tích là việc người đã bị kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Xóa án tích là sự thừa nhận về mặt pháp lý người bị kết án không còn mang án tích và vì vậy không còn chịu hậu quả nào do việc kết án mang lại. Khi đã được xóa án tích, mọi giấy tờ về căn cứ, lý lịch của người từng bị kết án đều được ghi “chưa can án”, hoặc “tiền án: không”.

Có tình huống, nhiều người vẫn chưa hiểu được việc xóa án tích có những lợi ích gì và khi nào thì được xóa án tích nên thắc mắc và lúng túng. Chẳng hạn, trường hợp anh T bị Tòa án tuyên 4 năm tù về tội cướp tài sản vào ngày 12/01/2010. Ngày 12/01/2015, anh T đã chấp hành xong hình phạt. Từ thời điểm đó đến nay, anh T không vi phạm pháp luật về tội gì khác, đã hoàn thành xong mọi thủ tục bồi thường về dân sự, án phí. Vậy anh T đã đủ điều kiện để được xóa án tích chưa?

Theo quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 thì: “Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các Điều từ 70 đến Điều 73 của Bộ luật này. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”

Tại Điều 70 BLHS năm 2015 quy định về trường hợp đương nhiên xóa án tích như sau:

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

Như vậy, đối với trường hợp của anh T thì anh T thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích tại điểm b khoản 2 Điều 70 BLHS 2015, kể từ khi chấp hành xong bản án (ngày 12/01/2015) trong thời hạn 2 năm tiếp theo mà không phạm tội mới thì anh T đương nhiên được xóa án tích.

Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích

Để xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

- Đơn xin xóa án tích (theo mẫu);

- Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi mình chấp hành hình phạt tù;

- Giấy xác nhận của cơ quan thì hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bổi thường, án phí, tiền phạt (nếu có);

- Giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an cấp Huyện nơi bạn thường cư trú (theo mẫu quy định của ngành Công an);

- Bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân (phô-tô công chứng).

Sau khi đã hoàn chỉnh đầy đủ bộ hồ sơ xin xóa án tích như trên, bạn nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp cấp tỉnh (Sở tư pháp tỉnh) để được thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận tình trạng không có án tích theo quy định.  

Loan Đỗ
3593

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]