Chào bạn, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 về quyền ưu tiên của một số loại xe như sau:
Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe
1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
Theo quy định trên, các loại xe được cấp quyền ưu tiên chỉ có:
- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ
- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường
- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu
- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật
Như vậy, xe buýt không thuộc các loại xe trên nên không được cấp quyền ưu tiên khi tham gia giao thông đường bộ.
Khi tham gia giao thông đường bộ, ta rất dễ bắt gặp trường hợp xe buýt ngang nhiên chiếm hết làn đường dành riêng cho xe máy, gây ùn tắt giao thông.
Theo quy định tại Điều 1 Quyết định 3653/QĐ-UBND năm 2005 thì xe buýt được cấp một số quyền ưu tiên lưu thông khi tham gia vận chuyển hành khách. Cụ thể, xe buýt chỉ được phép lưu thông trên làn xe 2 bánh khi:
- Có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông;
- Khi cách giao lộ từ 100 mét trở lên và các làn xe ô tô đều bị tắc;
- Khi xuất phát từ các trạm dừng, nhà chờ để nhập dòng vào làn xe ô tô mà dòng xe ô tô kéo dài quá một thân xe buýt và không có dấu hiệu chuyển động thì xe buýt được lưu thông tạm thời trong làn xe 2-3 bánh và phải nhanh chóng nhập vào làn xe ô tô.
Tốc độ lưu thông tối đa của xe buýt khi đi vào làn xe 2-3 bánh là 20Km/giờ và phải giữ khoảng cách an toàn đối với các loại xe khác phù hợp với điều kiện giao thông trên tuyến. Khi vận chuyển hành khách đi vào làn xe 2-3 bánh, tài xe buýt phải đảm bảo xe chỉ được chạy với vận tốc tối đa là là 20Km/giờ và phải giữ khoảng cách an toàn đối với các loại xe khác phù hợp với điều kiện giao thông trên tuyến.
Lưu ý: Quy định trên hiện tại chỉ có hiệu lực đối với địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi phương tiện khi tham gia giao thông phải đi đúng làn đường theo quy định. Nếu phương tiện chạy xe lấn làn đường, phóng nhanh vượt ẩu sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, xe buýt lấn làn đường sẽ bị xử phạt như sau:
- Hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm đ Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài việc bị phạt tiền, tài xế điều khiển xe buýt có hành vi vi phạm trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Trân trọng!