Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Khoản 1, 2 Điều 165 Luật Đất đai 2024 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai như sau:
Điều 165. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai bao gồm các thành phần sau đây:
a) Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
b) Cơ sở dữ liệu địa chính;
c) Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
d) Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
đ) Cơ sở dữ liệu giá đất;
e) Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai;
g) Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai;
h) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng đồng bộ, thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong phạm vi cả nước.
…”
Đồng thời, theo Điều 166 Luật Đất đai 2024 quy định về quản lý, vận hành, khai thác và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai như sau:
Điều 166. Quản lý, vận hành, khai thác và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được bảo đảm an ninh, an toàn theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được quản lý tập trung và được phân cấp quản lý theo trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.
3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời, bảo đảm phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai.
4. Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin. Việc kết nối liên thông phải bảo đảm hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được quy định như sau:
a) Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp;
b) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
c) Người sử dụng đất được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
…
Theo đó, việc tăng cường xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai mang lại nhiều lợi ích như sau:
- Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có giá trị sử dụng như văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp;
- Đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai: thay thế dần các thủ tục giấy tờ bằng dữ liệu số, cá nhân, tổ chức có thể tra cứu tra cứu thông tin điện tử online tại nhà mà không cần đến cơ quan có thẩm quyền, giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, các quy trình cấp giấy chứng nhận được rút gọn, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp;
- Minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận;
- Kiểm soát chặt chẽ quỹ đất: theo dõi số liệu về diện tích đất, mục đích sử dụng, chủ sử dụng,... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm;
- Cung cấp thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra: là cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra về đất đai một cách dễ dàng;
- Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về đất đai: cung cấp số liệu, thông tin đầu vào phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược về đất đai.
Như vậy, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ góp phần quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai minh bạch thông tin đất đai và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.
Căn cứ tại Điều 170 Luật đất đai 2024 quy định về trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai như sau:
Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung ương và xây dựng phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai bảo đảm đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác;
- Quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung ương;
- Xây dựng, cập nhật dữ liệu đất đai cấp vùng, cả nước và cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai ở trung ương;
- Tích hợp, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trên phạm vi cả nước;
- Kết nối, chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành, địa phương và cung cấp thông tin đất đai cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai.
Trách nhiệm của Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan: kết nối, chia sẻ kết quả điều tra cơ bản và các thông tin có liên quan đến đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi địa phương, bảo đảm đến năm 2025 kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
- Tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm tại địa phương, đường truyền kết nối từ địa phương đến trung ương phục vụ xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương;
- Chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai trong phạm vi địa phương cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại địa phương.