07/04/2021 14:01

Xác định tư cách tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức trong vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội

Xác định tư cách tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức trong vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội

Trong vụ án xét xử người chưa thành niên phạm tội phải có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự. Đây là vấn đề được pháp luật ghi nhận, nhưng việc thực hiên quy đinh này như nào thì thực tế chưa có sự thống nhất, còn nhiều quan điểm khác nhau; bởi xuất phát từ việc quy định chưa rõ ràng và cụ thể của pháp luật.

1. Một số quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

1.1. Thẩm quyền xét xử

Tâm lý những người dưới 18 tuổi rất nhạy cảm, dễ xúc động và dễ chịu sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Bởi vậy khi xét xử, pháp luật có quy định xử kín khi có người dưới 18 tuổi phạm tội. Tại Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa gia đình và người chưa thành niên bao gồm: Vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi;  Vụ án hình sự có bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

Như vậy, đối với những vụ án thỏa mãn một trong hai điều kiện nêu trên, thì thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trong một số trường hợp, những vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi không thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên bao gồm:

+ Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

+ Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS.

+ Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người đủ 18 tuổi trở lên, nhưng người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy là người đủ 18 tuổi trở lên.

+ Vụ án hình sự không có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập.

Tuy nhiên, đối với các Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử các vụ án này sẽ do Thẩm phán chuyên trách thực hiện. Riêng đối với Tòa án quân sự thì sẽ do Thẩm phán có kinh nghiệm thực hiện.

Ví dụ: Đối với các Tòa án quân sự không có tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử các vụ án có bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi sẽ do Thẩm phán có kinh nghiệm thực hiện.

1.2. Thành phần và yêu cầu của Hội đồng xét xử

Thành phần HĐXX sơ thẩm vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi là một trong những thủ tục đặc biệt được quy định tại Chương XXVIII, Phần thứ bảy của BLTTHS năm 2015, được thực hiện khi tiến hành giải quyết vụ án liên quan đến người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, nhằm giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng.

Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi từ 02 năm trở lên hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi, về kỹ năng giải quyết các vụ an hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Khoản 1 Điều 423 BLTTHS quy định về Hội thẩm khi tham gia xét xử vụ án mà bị cáo dưới 18 tuổi, bắt buộc phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Thực tiễn xét xử của Tòa án quân sự, Hội thẩm quân nhân là giáo viên, họ thường là giáo viên của các Trường quân sự từ cấp Quân khu trở lên, thành viên ban chấp hành chi đoàn, trợ lý thanh niên hoặc những người đã từng làm công tác đoàn, thanh niên, giáo viên đã chuyển công tác khác.

Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Ví dụ: Thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đã nghỉ hưu; giáo viên đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác khác; cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; cán bộ làm công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em; cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách về thanh niên; người đã tham gia công tác tại cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người dưới 18 tuổi; người làm công tác bảo vệ trẻ em; đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội Cựu chiến binh có kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội và người vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi.

Quy định về thành phần HĐXX sơ thẩm đối với vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi nhằm bảo đảm cho HĐXX có điều kiện nhận thức đầy đủ, chính xác hơn về nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, cũng như các đặc điểm về nhân thân của bị cáo dưới 18 tuổi,… nhằm đánh giá đúng các yếu tố thuộc về chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm (yếu tố lỗi, động cơ, mục đích phạm tội). Thông qua đó, HĐXX áp dụng các loại, mức hình phạt phù hợp, đảm bảo cho quá trình xử lý trách nhiệm hình sự đối với họ chủ yếu mang tính chất giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân tốt, người có ích cho xã hội… Như vậy, so với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã mở rộng thêm đối tượng người tham gia tố tụng là người làm chứng và bổ sung đối tượng là người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi cũng có thể tham gia xét xử với tư cách là Hội thẩm nhằm mở rộng, đa dạng hóa đối tượng tham gia Hội thẩm và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi.

1.3. Quyền và nghĩa vụ của đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo sinh hoạt, học tập tại phiên tòa

Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín; bổ sung những người bắt buộc phải có mặt tham gia phiên tòa để trợ giúp tốt nhất cho bị cáo là người dưới 18 tuổi. Bao gồm: người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Quyền của người chưa thành niên bị buộc tội có sự tham gia của đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự được đảm bảo chủ yếu bằng những quy định tại Điều 420 BLTTHS năm 2015. Theo điều luật này, tùy từng trường hợp cụ thể, ở những giai đoạn tố tụng khác nhau, các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định triệu tập đại diện gia đình người chưa thành niên; thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Việc tham gia tố tụng của họ vừa là quyền, đồng thời cũng là nghĩa vụ của các chủ thể này bởi vì họ có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục người chưa thành niên. Đây là những người có mối quan hệ gần gũi; có thể biết được những đặc điểm về nhân cách, hoàn cảnh sống và môi trường giáo dục người chưa thành niên; hơn nữa đây cũng là “chỗ dựa tinh thần” cho người chưa thành niên. Vì vậy, sự tham gia của những chủ thể này góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật khách quan của vụ án và có cách xử lý phù hợp đối với bị can, bị cáo và thông qua đó bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội.

Thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án.

2. Những hạn chế về quyền và nghĩa vụ của đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo sinh hoạt, học tập tại phiên tòa

Theo quy định của pháp luật thì người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt được triệu tập thạm gia tố tụng; nhưng vấn đề đặt ra là họ tham gia với tư cách gì, họ có quyền và nghĩa vụ cụ thể như thế nào thì thì hiện nay còn thiếu quy định nên có nhiều quan điểm khác nhau.

Thứ nhất, BLTTHS thiếu quy định về quyền của nhà trường, tổ chức trong giai đoạn truy tố. Mặc dù khoản 1 Điều 420 BLTTHS có đề cập trường hợp các chủ thể này tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Tại khoản 3 của Điều 420 chỉ liệt kê các quyền của họ trong giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, truy tố thì Điều tra viên, Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động nghiệp vụ như hỏi cung, đối chất… thì có cần nhà trường, tổ chức tham gia hay không? Họ có những quyền cụ thể nào để bảo vệ người chưa thành niên trong giai đoạn này?

Thứ hai, BLTTHS chưa quy định tư cách tham gia tố tụng của người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt.

Hiện nay BLTTHS chưa có quy định tư cách tham gia tố tụng của những người nêu trên. Tuy nhiên việc tham gia phiên tòa của họ lại rất quan trọng, nếu họ vắng mặt thì HĐXX buộc phải hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào để buộc họ đến phiên tòa nếu họ vắng mặt; nếu họ vắng mặt không có lý do thì cũng không có căn cứ để dẫn giải họ đến phiên tòa…. Do vậy cần phải quy định cho họ một tư cách cụ thể để tham gia tố tụng và cần có sự ràng buộc chặt chẽ để hoạt động tiến hành tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện nghĩa vụ mà không có căn cứ xử lý khi họ vắng mặt.

Thứ ba, trong thực tế xét xử, đại diện nhà trường và tổ chức ít có mặt tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội, vấn đề này có nhiều nguyên nhân khác nhau, có trường hợp Tòa án không triệu tập họ đến tham gia phiên tòa nhưng cũng có trường hợp nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhưng các cơ quan này lại không quan tâm phối hợp với Tòa án trên cơ sở quy định của pháp luật.

Trong nhiều vụ án, đại diện nhà trường và tổ chức có mặt chỉ để xem tòa xét xử và nghe tuyên án chứ không thể hiện được vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bị cáo chưa thành niên. Nói một cách khác, sự tham gia của họ chỉ mang tính hình thức, thụ động và việc tham gia của đại diện nhà trường, tổ chức chưa được chú trọng nên cần có quy định để gắn trách nhiệm của họ khi tham gia tố tụng và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình...

3. Một số kiến nghị

Nhằm tạo điều kiện cho nhà trường, tổ chức hoàn thành được những vai trò trên, tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, cần có quy định về tư cách, quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt.

Thứ hai, cần bổ sung quy định cụ thể những trường hợp vắng mặt của những người nêu trên nhưng Tòa án vẫn có thể tiến hành phiên tòa.

ĐỖ VĂN DUY (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3030

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]