20/01/2021 08:12

Xác định tư cách tham gia tố tụng như thế nào cho đúng?

Xác định tư cách tham gia tố tụng như thế nào cho đúng?

Trong các vụ án hình sự việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng trong vụ á là một vấn đề quan trọng bởi nó bảo đảm đúng quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, tuy nhiên trong thực tiễn thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau.

Nguyễn Văn A (sinh năm 1986) và Hồ Quang K (sinh năm 1990) cùng trú tại thành phố HL, tỉnh QN, Hồ Quang K. Ngày 6/12/2020 A và K đã có hành vi đánh anh Đinh Văn E, hậu quả anh E tử vong, A và K bị Công an bắt tạm giam và khởi tố về hành vi “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS. Trong quá trình A và K bị tạm giam đã đề nghị gia đình bồi thường dân sự thay cho mình và được gia đình đồng ý, gia đình không yêu cầu A và K phải hoàn trả số tiền này. Hai gia đình A và K đã gặp gia đình anh E thỏa thuận bồi thường thiệt hại và được gia đình E đồng ý với số tiền 300.000.000 đồng và đề nghị Tòa án ghi nhận, trước khi mở phiên tòa thì đã bồi thường xong toàn bộ.

Liên quan đến việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án của đại diện gia đình A và K hiện nay có hai ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Cần xác định đại diện của hai gia đình A và K là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 65 BLTTHS người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”, vì đại diện của hai gia đình A và K tự nguyện bồi thưởng thiệt hại thay nên cần xác định họ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ là hoàn toàn phù hợp. Đồng thời, khi xác định đại diện gia đình là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì họ có quyền kháng cáo bản án đối với phần bồi thường thiệt hại sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của họ.

Ý kiến thứ hai cho rằng: Cần xác định đại diện gia đình A và K là người làm chứng, bởi vì theo quy định tại Điều 66 của BLTTHS người làm chứng “Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng”. Đại diện gia đình A và K là những người biết rõ các tình tiết liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án này và việc họ tự nguyện bồi thường thiệt hại và không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả số tiền này nên việc xác định tư cách tham gia tố tụng là người làm chứng với đại diện gia đình A và K là hoàn toàn phù hợp. Tôi đồng tình với quan điểm này.

Trên đây là quan điểm và cách hiểu khác nhau về việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án, rất mong nhận được trao đổi từ bạn đọc./.

TRẦN VĂN HÙNG (Thẩm phán TAQS khu vực Quân khu 4)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

6243

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn