21/02/2022 09:54

Xác định thời hạn tù còn phải chấp hành của phạm nhân bị xử phạt tù chung thân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Xác định thời hạn tù còn phải chấp hành của phạm nhân bị xử phạt tù chung thân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù

Trong phạm vi bài viết, tác giả bàn về cách xác định thời hạn tù còn phải chấp hành được hướng dẫn tại phần 14 mục 1, mẫu số 5-THAHS ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP đối với hình phạt tù chung thân được giảm thời hạn tù lần đầu từ tù chung thân xuống 30 năm tù.

Hiện nay, giữa quy định của BLHS, các văn bản hướng dẫn và thực tiễn áp dụng vẫn có sự bất cập.

1.Quy định của pháp luật

Trong hệ thống hình phạt của BLHS thì tù chung thân là một trong 7 loại hình phạt chính. Theo đó, tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình và không áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội[1]. Như vậy, hình phạt tù chung thân có khả năng tước tự do của người bị kết án đến hết đời[2].

Tuy nhiên, thời gian chấp hành án thực tế bao lâu là phụ thuộc phần lớn vào quá trình cải tạo của cá nhân người bị kết án. Bởi pháp luật hình sự Việt Nam đã ghi nhận rõ ràng về việc hình phạt không chỉ nhằm trừng trị mà còn nhằm giáo dục, ngăn ngừa và đấu tranh chống tội phạm nên Nhà nước có nhiều quy định nhân đạo để rút ngắn thời hạn chấp hành án phạt tù cho những phạm nhân cải tạo tốt, đóng góp nhiều thành tích. Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là một trong những chính sách nhân đạo đó.

Khi người chấp hành án phạt tù chung thân đủ các điều kiện: Đã chấp hành hình phạt được 12 năm và có nhiều tiến bộ, đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì người đó có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù[3]; Đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù sau khi chấp hành án được 15 năm tù[4].

Về điều kiện cụ thể để xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của hình phạt tù chung thân hiện được quy định tại Điều 63, Điều 64 BLHS, Điều 38 Luật Thi hành án hình sự, Chương 2 của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC, VKSNDTC.

Về mức giảm: Đối với người bị xử phạt tù chung thân thì lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành là 20 năm, đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân thì thời hạn thực tế chấp hành là 25 năm, trừ trường hợp người đó lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể  được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc mức cao hơn[5]. Như vậy, mức giảm lần đầu đối với người bị kết án tù chung thân được pháp luật quy định là từ tù chung thân xuống 30 năm tù.

2.Thực tiễn áp dụng

Tình huống pháp lý: Theo đề nghị của Trại giam A, phạm nhân Lê Văn Q. bị kết án tù chung thân, đủ điều kiện, tiêu chuẩn xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 2/9/2021, thời gian đã chấp hành án của phạm nhân Q. đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 12 năm 6 tháng. Tòa án tỉnh K đã chấp nhận đề nghị của Trại giam A, xác định “Thời hạn chấp hành án phạt tù được giảm là tù chung thân giảm xuống 30 năm tù, thời hạn tù Lê Văn Q. còn phải chấp hành là 30 năm tù.” Sau đó, VKSND tỉnh K có kháng nghị phúc thẩm cho rằng Tòa án xác định thời hạn tù còn lại của Lê Văn Q là 30 năm tù là không chính xác và cần phải xác định thời hạn tù còn lại là 17 năm 6 tháng.

Như vậy, cách xác định thời hạn tù còn lại của phạm nhân được giảm thời hạn tù lần đầu từ tù chung thân xuống 30 năm tù hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau.

Quan điểm thứ nhất: Tính đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn 30 năm, phạm nhân đã chấp hành thực tế được 12 năm 6 tháng nên thời hạn tù còn phải chấp hành là 17 năm 6 tháng. Nếu xác định thời hạn tù còn lại là 30 năm thì tổng thời hạn chấp hành phải chăng sẽ là 42 năm 6 tháng? Do đó, cần áp dụng quy định “có lợi cho người phạm tội” để xác định thời hạn tù còn lại là 17 năm 6 tháng.

Quan điểm thứ hai: Theo quy định của Điều 63 BLHS, phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu “xuống 30 năm tù”. Do đó, cần xác định thời hạn tù còn lại là 30 năm mới đúng với nội hàm quy định điều luật, việc phạm nhân chấp hành án thực tế được 12 năm 6 tháng ở lần giảm đầu tiên chỉ được coi là một trong các điều kiện để được giảm. Khi xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù ở những lần giảm sau, thời gian 12 năm 6 tháng này mới được coi là thời gian chấp hành thực tế để xác định thời hạn tù còn lại phải chấp hành.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai bởi lẽ:

Thứ nhất: Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của hình phạt tù chung thân đặc biệt ở chỗ, lần đầu giảm từ tù “không thời hạn” giảm xuống mức tù có thời hạn. Mức giảm lần đầu tiên của hình phạt này là từ tù chung thân xuống 30 năm tù tức là mức 30 năm tù là “mức án” mới mà phạm nhân phải chấp hành. Trong đợt xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần sau, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì phạm nhân tiếp tục được xét giảm căn cứ vào “mức án” mới này.

Thứ hai: Nếu cho rằng thời hạn tù còn lại là 30 năm thì thời gian đã chấp hành thực tế (12 năm 6 tháng) có được trừ vào thời gian còn phải chấp hành hay không? Theo tác giả, thời gian thực tế đã chấp hành ở lần đầu tiên xem xét giảm là điều kiện “đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định” và không được trừ vào thời hạn tù còn lại. Việc trừ thời hạn chấp hành thực tế này sẽ được áp dụng vào lần xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần sau, là khi phạm nhân đã ở “mức án” mới là 30 năm tù.

Ví dụ: Năm 2021, phạm nhân Lê Văn Q chấp hành được 12 năm 6 tháng tù, đủ điều kiện và được giảm lần đầu từ tù chung thân xuống 30 năm tù, thời hạn tù còn lại là 30 năm. Năm 2022, phạm nhân Lê Văn Q tiếp tục đủ điều kiện và được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 01 năm thì xác định: thời hạn tù đã chấp hành là 13 năm 6 tháng, thời hạn tù còn phải chấp hành là 15 năm 6 tháng.

Thứ ba: Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai là bởi sự tương đồng pháp lý của điều luật này trong Bộ luật Hình sự giữa hình phạt tù chung thân và tù có thời hạn. Cụ thể: Đối với tù có thời hạn thì mức tối đa là 20 năm; khi xét xử cùng một người phạm nhiều tội, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mà hình phạt chính cùng là tù có thời hạn thì không được vượt quá 30 năm[6]. Người bị kết án trong trường hợp này điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt thực tế là 10 năm và có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn chấp hành thực tế được một phần hai mức hình phạt đã tuyên (15 năm).

Đối với người bị kết án tù chung thân thì điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt thực tế là 12 năm và có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn chấp hành thực tế là 20 năm. Người bị kết án tù chung thân phạm nhiều tội (không kể phạm tội trước hay sau khi có bản án kết án tù chung thân) thì điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt thực tế là 15 năm và có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn chấp hành thực tế là 25 năm. Như vậy, cần thiết phải xác định thời hạn tù còn lại của người bị kết án tù chung thân được giảm lần đầu là 30 năm tù để cá thể hóa mức độ, tính chất nghiêm khắc của từng loại hình phạt. Dù phạm nhân được xác định thời hạn tù còn phải chấp hành là 30 năm tù, là mức tù có thời hạn nhưng có sự tách bạch rõ ràng giữa tù chung thân được giảm xuống 30 năm và tù có thời hạn. Việc xác định thời hạn còn lại là 30 năm tù cũng là đúng với tinh thần của Khoản 2 Điều 63 BLHS.

Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là vấn đề thường xuyên, cấp bách nên các quy định liên quan đến chế định này cần sớm được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để được áp dụng thống nhất giữa BLHS, Luật Thi hành án hình sự hiện hành và Thông tư Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP ngày 12/8/2021 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất chế định trong thực tiễn.

[1] Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[2]  Trần Văn Biên, Đinh Thế Hưng, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, NXN Thế giới (2017), trang 54.

[3]  Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015

[4]  Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015

[5]  Khoản 2, Khoản 3 Điều 63, Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 2015

[6]  Điều 38, Điều 55, 56 Bộ luật Hình sự năm 2015

NGUYỄN HỒNG THẮM (Phòng KTNV và Thi hành án – TAND tỉnh Khánh Hòa)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

1783

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]