Ví dụ: Ông A khởi kiện yêu cầu ông B phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đất cấp cho ông A là 100m2, qua kiểm tra đo đạc để hoà giải tại địa phương thì UBND xã C đã xác định diện tích đất bị lấn chiếm là 100m2, các bên đã chỉ ranh giới ổn định, cắm mốc, đóng cọc đối với các hộ liền kề. Sau khi hoà giải ở cơ sở không thành, ông A yêu cầu chuyển hồ sơ Toà án giải quyết. Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, diện tích đất tranh chấp giữa ông A và ông B là 120m2, tăng 20m2 so với đơn khởi kiện ban đầu và so với GCNQSDĐ ông A được cấp.
Sau khi biết được diện tích chênh lệnh giữa hai kết quả đo đạc, Toà án tiến hành xác minh tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện cho kết quả, tại thời điểm cấp GCNQSDĐ cho ông A và tại thời điểm UBND xã C đo đạc để giải quyết tranh chấp là đo phằng phương pháp thủ công (thước dây) nên kết quả không chính xác, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện sử dụng phương pháp đo bằng máy định vị để đo đạc nên đề nghị Toà án căn cứ vào kết quả đo đạc bằng máy định vị làm căn cứ giải quyết vụ án, diện tích đất tranh chấp là 120m2.
Đối với trường hợp trên, trên thực tế xảy ra hai luồng quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Sau khi Toà án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ thửa đất, kết quả đo đạc cho thấy diện tích tăng thêm 20m2 thì Toà án hướng dẫn nguyên đơn làm đơn khởi kiện bổ sung đối với diện tích tăng thêm đó. Sau khi nhận được đơn khởi kiện bổ sung thì Toà án chuyển đơn khởi kiện bổ sung kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho UBND cấp xã C thực hiện hoà giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai. Việc hoà giải ở cơ sở không thành thì chuyển hồ sơ cho Toà án giải quyết theo thẩm quyền, đây là thủ tục tiền tố tụng bắt buộc.
Trường hợp này nếu không có đơn khởi kiện bổ sung mà Toà án vẫn giải quyết là giải quyết vượt quá yêu cầu của người khởi kiện.
Quan điểm thứ hai: Sau khi tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, Toà án yêu cầu các đương sự xác định ranh giới, vị trí thửa đất đúng với vị trí, ranh giới so với kết quả xác minh của UBND cấp xã C đã đo đạc thì cho dù diện tích có tăng thêm hay giảm đi thì cũng nằm trong phạm vi giải quyết vụ án.
Đối với việc chênh lệch diện tích giữa hai kết quả đo đạc là UBND xã C và Toà án. Điều này xuất phát từ việc nhầm lẫn trong kết quả đo đạc hoặc tính toán sai giữa các cán bộ đo hoặc việc đo đạc của UBND xã C được tiến hành đo đạc bằng thước dây không chính xác bằng việc đo đạc bằng máy định vị. Nên cho kết quả khác nhau.
Người khởi kiện căn cứ vào diện tích do UBND xã C đo được để làm căn cứ khởi kiện. Vì vậy, sau khi có kết quả đo đạc, kết quả cho thấy diện tích lớn hơn so với diện tích yêu cầu nhưng không thay đổi về vị trí, tứ cận diện tích đất tranh chấp thì Toà án căn cứ vào kết quả đo đạc của Toà án để giải quyết vụ án mà không yêu cầu người khởi kiện làm đơn khởi kiện bổ sung. Việc giải quyết này không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu.
Trên thực tế, rất nhiều vụ án tương tự, khi xét xử Toà án sơ thẩm đồng ý với quan điểm thứ hai để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, sau khi có kháng cáo, Toà án cấp phúc thẩm không đồng ý với quan điểm trên mà phải thực hiện các thủ tục như quan điểm thứ nhất dẫn đến án huỷ do lỗi chủ quan.
Quan điểm của tác giải đồng ý với quan điểm thứ hai, rất mong được trao đổi, đóng góp với ý kiến bạn đọc. Trong thời gian tới, rất mong TANDTC có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để Toà án các cấp áp dụng đúng pháp luật.
Nguồn: Tạp chí Tòa án