03/06/2019 08:55

Xác định lãi phạt chậm trả trong hợp đồng tín dụng: Còn nhiều vướng mắc, bất cập

Xác định lãi phạt chậm trả trong hợp đồng tín dụng: Còn nhiều vướng mắc, bất cập

Trong những năm gần đây, số lượng tranh chấp hợp đồng tín dụng tại các Tòa án nhân dân tăng lên; tuy nhiên, việc giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng có yêu cầu khoản lãi phạt vi phạm đang có nhiều vướng mắc chưa có sự thống nhất trong việc giải quyết

Có thể thấy, lãi suất, lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm đều được quy định trong các bộ luật dân sự và các Luật có liên quan: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357), thỏa thuận phạt vi phạm (Điều 418), nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 466), lãi suất (Điều 468; Luật Các tổ chức tín dụng quy định lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (Điều 91); Luật Thương mại quy định phạt vi phạm Điều 300, mức phạt vi phạm Điều 301.

Theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước về phạt vi phạm được quy định như sau:

Điều 25. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Mức phạt vi phạm quy định cũng được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư  39/2016/TT-NHNN “Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”.

Mặc dù, đã có các quy định của pháp luật về phạt vi phạm; tuy nhiên, trong thời gian qua, việc giải quyết vẫn chưa có sự nhận thức thống nhất về các quy định pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng. Vì vậy, dẫn đến tình trạng trong thực tiễn xét xử, cùng loại tranh chấp hợp đồng tín dụng, trong đó các bên thỏa thuận về lãi suất (bao gồm lãi suất trong hạn và lãi suất nợ quá hạn), thỏa thuận phạt vi phạm nhưng có Tòa án xử chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm, có Tòa án xử chỉ chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm là “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”.

Vì vậy, ngày 11/1/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP để hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Theo đó, tại Điều 8 của Nghị quyết có hướng dẫn:

1. Đối với hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 1/1/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm: Một là, lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn vay chưa trả. Hai là, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng;

2. Đối với hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 1/1/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm:  Một là, lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định theo như hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 1/1/2017 như trình bày trên. Hai là, trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn”.

Tuy nhiên, hướng dẫn của Nghị quyết 01/2019 vẫn chưa rõ ràng về nội dung phạt vi phạm nên thực tiễn vẫn còn rối trong việc chấp nhận hay không yêu cầu của ngân hàng về lãi phạt vi phạm. Chúng ta cùng xem xét một ví dụ cụ thể như sau:

Theo đơn khởi kiện ngày 02/11/2018 và bản tự khai ngày 11/01/2019 đại diện ngân hàng A trình bày: Theo hợp đồng tín dụng ngày 21/7/2017 công ty ĐH đã vay của ngân hàng số tiền 600.000.000đ, lãi 22,7%/năm thời hạn 36 tháng (điều chỉnh 03 tháng /lần), trả lãi vào ngày 25 hàng tháng, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi trong hạn. Để bảo đảm cho khoản vay, ông Ngô Văn Đ đã ký thư bảo lãnh cam kết dùng mọi tài sản thuộc quyền sử dụng của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay. Ngày 25/02/2018 bên vay đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên toàn bộ khoản vay chuyển sang nợ quá hạn từ ngày 26/02/2019. Vì vậy ngân hàng A yêu cầu Tòa án buộc công ty ĐH phải trả số tiền tính đến ngày 24/5/2019 là 679.997.703đ, nợ gốc 466.656.000đ, nợ lãi 198.255.000đ, phạt chậm trả lãi 15.086.703đ (được tính trên lãi quá hạn), nếu công ty ĐH không trả nợ thì buộc ông Đ phải trả nợ thay theo hợp đồng bảo lãnh.

Đối với vụ án này, hiện có 03 quan điểm khác nhau về lãi phạt vi phạm

Quan điểm thứ nhất: Không chấp nhận yêu cầu của ngân hàng A đối với phần lãi phạt chậm trả vì cho rằng khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ đã phải chịu mức lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn trên nợ gốc. Do đó không buộc phải chịu thêm mức phạt trên lãi quá hạn. Bởi vì theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 01/2019 thì trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn”. Quy định không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy địnhnghĩa là không quá 150%, nhưng trong vụ án trên do ngân hàng đã tính lãi quá hạn bằng 150% nên không được phép tính thêm mức lãi phạt.

Quan điểm thứ hai: Chấp nhận yêu cầu của ngân hàng đối với các yêu cầu về gốc, lãi trong hạn, quá hạn và lãi phạt chậm trả. Bởi vì, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Thông tư 39/2016 thì hợp đồng giữa các bên đều có quy định về việc phạt vi phạm và tại điểm b khoản 2 Nghị quyết 01/2019 cũng quy định trường hợp bên vay không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận (lãi trong hạn và lãi quá hạn) thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định (mức phạt không quá 10% theo Điều 13 Thông tư số 39/2019). Do đó, bên vay phải chịu lãi trong hạn, quá hạn và lãi phạt.

Quan điểm thứ ba: Chỉ chấp nhận phần lãi phạt chậm trả tính trên số tiền lãi, trên nợ gốc trong hạn chứ không phải tính trên nợ lãi quá hạn như cách tính của ngân hàng đã yêu cầu. Vì theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 01/2019 thì khi khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn. Cũng phù hợp với hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2019 hướng dẫn về cách xác định lãi phạt chậm trả đối với hợp đồng vay không phải là hợp đồng tín dụng “ Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Cụ thể: Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc).

Vậy, cần giải quyết lãi phạt chậm trả như thế nào cho đúng quy định pháp luật và thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nghiêng về quan điểm thứ ba, đó là chấp nhận lãi phạt chậm trả nhưng được tính trên nợ lãi trong hạn chưa trả tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc. Điều này cũng phù hợp với quy định của pháp luật về phạt vi phạm cũng như sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng nhằm nâng cao trách nhiệm của bên vay đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi.

Để áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về lãi phạt; trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể về lãi phạt vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng./.

Nguồn:Tạp chí Kiểm sát

4395

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]