05/10/2021 14:33

Xác định công sức trong việc quản lý, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng khi ly hôn

Xác định công sức trong việc quản lý, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng khi ly hôn

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định khá rõ về chế độ tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp vợ/chồng có công sức đóng góp cho việc làm gia tăng giá trị quyền sử dụng đất là tài sản riêng của người kia. Vậy khi ly hôn họ có được hưởng công sức đóng góp cho việc gia tăng giá trị quyền sử dụng đất đó không? Hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết vấn đề này.

1. Quy định của pháp luật về tính công sức

Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) năm 2014, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định một số trường hợp phải tính công sức đóng góp như sau:

Khoản 2 Điều 59 LHNGĐ năm 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung …”.

Khoản 1 Điều 61 LHNGĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Án lệ số 02/2016/AL có đề cập đến việc xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ: Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.

Án lệ số 05/2016/AL có đề cập tới việc xem xét về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế: “Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức.”

Khoản 1 Điều 102 BLDS năm 2015 quy định: “Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015”, theo đó “Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên”. Như vậy, khi chia tài sản cần xét đến công sức đóng góp của các thành viên.

Điều 618 BLDS năm 2015 quy định:

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.”

Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp xác định công sức trong việc quản lý, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ (chồng) khi ly hôn nên còn có những ý kiến khác nhau khi giải quyết vấn đề này trên thực tế.

2. Vấn đề thực tiễn

Trong thời kỳ hôn nhân, người chồng được bố mẹ tặng cho riêng quyền sử dụng 500m2 đất trong đó có 200 m2 đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Quá trình chung sống hai vợ chồng cùng tạo lập tài sản trên đất nhưng người chồng không nhập quyền sử dụng thửa đất này vào tài sản chung của vợ chồng. Trong khi người chồng đang công tác tại nước ngoài, người vợ đã giúp người chồng thực hiện các thủ tục, giấy tờ, nghĩa vụ tài chính cần thiết để xin thay đổi mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông nghiệp. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chồng thể hiện: hiện nay toàn bộ diện tích 500m2 đất của thửa đất tranh chấp đều đã được công nhận là đất ở tại đô thị. Như vậy, mục đích sử dụng 300 m2 đất nông nghiệp đã có sự thay đổi làm cho giá trị quyền sử dụng đất được tăng lên. Khi ly hôn, người vợ yêu cầu tính công sức đóng góp cho việc làm tăng giá trị quyền sử dụng đất đó.

Có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản riêng của chồng nên khi ly hôn vẫn thuộc về người chồng và không tính công sức cho người vợ trong việc quản lý, làm tăng giá trị quyền sử dụng đất đó. Bởi lẽ, trong quá trình chung sống, mặc dù người vợ đã có công sức trong việc xin chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất, nhưng khi Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn xác định người chồng là chủ sở hữu riêng đối với quyền sử dụng đất đã được chuyển đổi mục đích. Hơn nữa, Điều 62 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó; đồng thời, không có quy định cụ thể về việc phải tính công sức đóng góp cho việc làm tăng giá trị của tài sản riêng của vợ, chồng.

Quan điểm thứ hai cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản riêng của người chồng nên khi ly hôn vẫn thuộc về người chồng. Tuy nhiên, phần giá trị tài sản tăng thêm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất là tài sản vợ chồng tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân. Khi ly hôn, phải căn cứ vào mức độ công sức đóng góp của vợ, chồng trong việc làm tăng giá trị quyền sử dụng đất để phân chia phần giá trị tăng thêm đó theo quy định tại Điều 59, Điều 61 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Quan điểm thứ ba cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản riêng của người chồng nên khi ly hôn vẫn thuộc về người chồng nhưng họ phải thanh toán cho người vợ tiền công sức đóng góp trong việc làm tăng giá trị quyền sử dụng đất.

3. Quan điểm của tác giả

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba với lý do: Quyền sử dụng đất sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn được xác định là tài sản riêng của người chồng nên không thể xác định phần giá trị tăng thêm là tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân như quan điểm thứ hai được. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 LHNGĐ năm 2014 thì quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó. Do đó, quyền sử dụng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của người chồng.

Tuy nhiên, người vợ đã bỏ thời gian, công sức để giúp chồng làm các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực tế toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi thành đất ở, làm cho giá trị quyền sử dụng đất tăng lên. Vì vậy, khi vợ chồng ly hôn, nếu người vợ có yêu cầu thì phải tính công sức làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người vợ. Quan điểm này cũng phù hợp với các quy định của pháp luật về việc tính công sức bảo quản, gìn giữ, làm tăng giá trị tài sản cho người quản lý di sản, hướng dẫn của các Án lệ số 02/2016/AL, Án lệ số 05/2016/AL và thực tiễn giải quyết các vụ án đòi nhà cho ở nhờ trong đó có tính toán công sức quản lý, giữ gìn tài sản cho người ở nhờ….

Khi tính toán công sức cho người vợ, cần phải căn cứ vào mức độ đóng góp của người vợ trong việc làm tăng giá trị quyền sử dụng đất và phần giá trị tài sản được tăng thêm. Trong trường hợp người vợ có khó khăn về chỗ ở và có yêu cầu thì có thể xem xét tính công sức cho người vợ bằng cách chia cho người vợ một phần diện tích đất để ổn định cuộc sống sau khi ly hôn.

Trên đây là một số nội dung trao đổi về vấn đề xác định công sức đóng góp trong việc làm tăng giá trị quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ/chồng khi ly hôn. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng quý bạn đọc.

Ths. NGUYỄN THU HƯƠNG - THS.TRẦN HỒNG NHUNG (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3666

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]