04/02/2025 18:00

WTO là gì? Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO?

WTO là gì? Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO?

Mỹ quyết định đánh thuế 10% với hàng Trung Quốc từ ngày 4/2, từ đó có thông tin Trung Quốc sẽ kiện lên WTO để phản đối lệnh áp thuế. Vậy WTO là gì và quy trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO như thế nào?

WTO là gì? Việt Nam gia nhập WTO năm nào?

WTO (World Trade Organization - Tổ chức Thương mại Thế giới) là tổ chức quốc tế được thành lập  với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.

WTO được thành lập năm 1995, trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ và hiện tại có 164 thành viên.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào ngày 11/1/2007, các thành viên của WTO bao gồm nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil,....

Nhiệm vụ của WTO là:

- Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đã đạt được trong khuôn khổ WTO (và những cam kết trong tương lai, nếu có); 

- Tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán, ký kết những Hiệp định, cam kết mới về tự do hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, 

- Giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên WTO; 

- Rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên.

WTO hoạt động với các nguyên tắc cơ bản sau:

Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) theo nguyên tắc này, mỗi nước thành viên phải dành sự đối xử không phân biệt cho hàng hoá và dịch vụ đến từ các nước thành viên WTO khác nhau. 

Như vậy doanh nghiệp xuất khẩu vào một thị trường sẽ được cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp xuất khẩu đến từ các nước khác. 

- Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT): nguyên tắc này đòi hỏi mỗi nước thành viên phải đối xử với hàng hoá, dịch vụ đến từ các nước thành viên khác (sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ thuế quan) không kèm thuận lợi hơn hàng hoá, dịch vụ nội địa của mình. 

Doanh nghiệp xuất khẩu vào một thị trường nhập khẩu về cơ bản sẽ được cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nội địa nước nhập khẩu đỏ. 

- Nguyên tắc cắt giảm thuế quan và không sử dụng các biện pháp phi thuế quan: theo nguyên tắc này, các thành viên WTO phải cam kết cắt giảm dần thuế quan và chỉ sử dụng hệ thống thuế quan này để bảo vệ sản xuất trong nước - phải bãi bỏ các biện pháp bảo hộ phi thuế quan (hạn ngạch, cấp phép nhập khẩu...) trừ một số trường hợp hãn hữu được phép. 

Việc nhập khẩu hàng hoá sẽ trở nên rõ ràng và dễ dự đoán hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu. 

- Nguyên tắc minh bạch, nguyên tắc này đòi hỏi các thành viên WTO phải công khai, rõ ràng, dễ dự đoán trong các thủ tục, quy trình hay quy định liên quan đến thương mại. 

Doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm kiếm thông tin cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình mà không phải mất quá nhiều chi phí. Minh bạch hoá cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc nhận biết và bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Khi nào có thể kiện ra WTO?

WTO chỉ giải quyết tranh chấp về thương mại giữa các nước thành viên (tức là ở cấp Chính phủ), không giải quyết các tranh chấp thương mại ở các công ty, doanh nghiệp kinh doanh. 

Các nước thành viên có thể kiện ra WTO trong các trường hợp như:

- Vi phạm nguyên tắc MFN (Most-Favored-Nation)

WTO yêu cầu các quốc gia đối xử bình đẳng với tất cả thành viên. Nếu một nước áp thuế chỉ riêng với một nước mà không có lý do chính đáng, đó là vi phạm.

- Áp thuế vượt quá cam kết trong Biểu thuế WTO

Các thành viên WTO cam kết mức trần thuế nhập khẩu với từng sản phẩm. Nếu một nước áp thuế vượt quá mức đã cam kết, thì nước bị ảnh hưởng có thể kiện.

- Lý do bảo hộ không hợp lý

Một nước viện cớ "an ninh quốc gia" để đánh thuế sản phẩm của nước khác có thể là lạm dụng lý do không thỏa đáng theo quy định WTO.

- Tranh chấp chống bán phá giá không hợp lệ

Nếu một nước áp thuế chống bán phá giá hoặc trợ cấp mà không có cơ sở điều tra minh bạch, các nước bị ảnh hưởng có thể khởi kiện.

Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO?

Các cơ quan tham gia giải quyết tranh chấp bao gồm:

- Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (Dispute Settlement Body - DSB) bao gồm đại diện của tất cả các thành viên WTO.

DSB là cơ quan chính quyết định thành lập Ban Hội thẩm, thông qua phán quyết, và giám sát việc thực thi.

- Ban Hội thẩm (Panel)

Được DSB thành lập khi hai bên không đạt được thỏa thuận trong giai đoạn tham vấn, gồm từ 3 đến 5 chuyên gia độc lập có kiến thức sâu về thương mại quốc tế.

Ban Hội thẩm nghiên cứu vụ kiện, đưa ra phán quyết sơ bộ và báo cáo cuối cùng.

- Cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body)

Nếu một bên không đồng ý với phán quyết của Ban Hội thẩm, họ có quyền kháng cáo.

Cơ quan này gồm 7 thành viên, mỗi vụ tranh chấp sẽ có 3 thành viên tham gia xét xử.

Phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm là cuối cùng và ràng buộc pháp lý.

- Chuyên gia kỹ thuật và trọng tài (nếu cần)

WTO có thể chỉ định chuyên gia hỗ trợ trong trường hợp vấn đề phức tạp về kỹ thuật.

Trọng tài được dùng khi hai bên không thống nhất về biện pháp thực thi phán quyết.

Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO như sau:

Bước 1: Tham vấn (Consultation): Hai bên đàm phán thương lượng trong 60 ngày.

Bước 2: Thành lập Ban Hội thẩm: Nếu không đạt thỏa thuận, DSB lập Ban Hội thẩm điều tra.

Bước 3: Phán quyết: Ban Hội thẩm ra báo cáo sơ bộ và cuối cùng.

Bước 4: Kháng cáo (nếu có): Cơ quan Phúc thẩm giải quyết và ra phán quyết cuối cùng.

Bước 5: Thực thi: Bên thua phải tuân thủ phán quyết hoặc chịu biện pháp trả đũa thương mại.

Thông tin tham khảo tại https://www.wto.org/

Bùi Thị Như Ý
1

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]