01/12/2023 19:09

Website bán hàng cần có những thông tin gì?

Website bán hàng cần có những thông tin gì?

Tôi muốn hỏi website thương mại điện tử là gì? Website bán hàng cần có những thông tin gì?_Hải Yến(Cần Thơ)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Website thương mại điện tử là gì?

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP định nghĩa Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP định nghĩa hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Như vậy, Website thương mại điện tử cần phải có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác thì mới có thể thực hiện quy trình hoạt động thương mại điển tử bao gồm các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng...

2. Website bán hàng cần có những thông tin gì?

Theo Điều 28 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định website thương mại điện tử bán hàng(Gọi tắt là website bán hàng) phải cung cấp đầy đủ thông tin sau:

- Thông tin người sở hữu website bán hàng;

- Thông tin hàng hóa, dịch vụ;

- Thông tin các điều khoản của hợp đồng mua bán áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website theo quy định từ Điều 29 đến Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Theo đó, thông tin cần cung cấp trên website bán hàng theo quy định tại Điều 29 đến Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP cụ thể:

Thông tin về người sở hữu website

Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng phải công bố những thông tin tối thiểu sau trên trang chủ website:

- Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân.

- Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.

- Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Thông tin về hàng hóa, dịch vụ

- Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
- Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
- Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Thông tin về giá cả

- Thông tin về giá hàng hóa hoặc dịch vụ, nếu có, phải thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác.

- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nếu thông tin giá hàng hóa hoặc dịch vụ niêm yết trên website không thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác thì giá này được hiểu là đã bao gồm mọi chi phí liên quan nói trên.

- Đối với dịch vụ trên các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Mục 2 và 4 Chương này, website phải công bố thông tin chi tiết về cách thức tính phí dịch vụ và cơ chế thanh toán.

Thông tin về điều kiện giao dịch chung

Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những điều kiện giao dịch chung đối với hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, bao gồm:

- Các điều kiện hoặc hạn chế trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, như giới hạn về thời gian hay phạm vi địa lý, nếu có;

- Chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này;

- Chính sách bảo hành sản phẩm, nếu có;

- Các tiêu chuẩn dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí và các điều khoản khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả những điều kiện và hạn chế nếu có;

- Nghĩa vụ của người bán và nghĩa vụ của khách hàng trong mỗi giao dịch.

Lưu ý:

- Các điều kiện giao dịch chung phải có màu chữ tương phản với màu nền của phần website đăng các điều kiện giao dịch chung đó và ngôn ngữ thể hiện điều kiện giao dịch chung phải bao gồm tiếng Việt.

- Trong trường hợp website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng.

Thông tin về vận chuyển và giao nhận

 Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố những thông tin sau về điều kiện vận chuyển và giao nhận áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website:

- Các phương thức giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ;

- Thời hạn ước tính cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, có tính đến yếu tố khoảng cách địa lý và phương thức giao hàng;

- Các giới hạn về mặt địa lý cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, nếu có.

- Phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận.

Lưu ý: Trường hợp phát sinh chậm trễ trong việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải có thông tin kịp thời cho khách hàng và tạo cơ hội để khách hàng có thể hủy hợp đồng nếu muốn.

Thông tin về các phương thức thanh toán

- Thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố toàn bộ các phương thức thanh toán áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, kèm theo giải thích rõ ràng, chính xác để khách hàng có thể hiểu và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.

- Nếu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thiết lập cơ chế để khách hàng sử dụng chức năng này được rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán trước khi thực hiện việc thanh toán.

Đồng thời, những thông tin trên cần bảo đảm các yêu cầu sau:

- Rõ ràng, chính xác, dễ tìm và dễ hiểu;

- Được sắp xếp tại các mục tương ứng trên website và có thể truy cập bằng phương pháp trực tuyến;

- Có khả năng lưu trữ, in và hiển thị được về sau;

- Được hiển thị rõ đối với khách hàng trước thời điểm khách hàng gửi đề nghị giao kết hợp đồng.

- Công bố trên trang chủ website đường dẫn đến các thông tin quy định tại Điều 32, Điều 33, Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP trong trường hợp website có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Như vậy, theo quy định trên thì Website bán hàng cần cung cấp các thông tin như: Thông tin về người sở hữu website; thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thông tin về giá cả; thông tin về điều kiện giao dịch chung; hông tin về vận chuyển và giao nhận và thông tin về các phương thức thanh toán.

Đồng thời, các thông tin nêu trên phải được thể hiện rõ ràng, chính xác, dễ tìm và dễ hiểu...Nếu website bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến thì phải có đường dẫn đến các thông tin về điều kiện giao dịch chung, thông tin vận chuyển và giao nhận, thông tin về các phương thức thanh toán.

Hứa Lê Huy
1834

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]