Tạm ngừng phiên tòa là quy định mới được quy định đầu tiên trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Theo đó, Hội đồng xét xử được quyền ngừng phiên tòa trong một số trường hợp nhất định với thời gian là không quá 30 ngày. Hết thời hạn này, Hội đồng xét xử không thể mở lại phiên tòa thì có quyền tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Từ quy định này, thực tiễn đã nảy sinh vướng mắc là khi lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn thì Tòa án ra thông báo mở lại phiên tòa hay ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự?
Tháo gỡ vướng mắc trên, tại mục 2 phần IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC đã thông báo kết quả giải đáp như sau:
“Khoản 2 Điều 259 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:“Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự…”.
Điều 216 của BLTTDS về quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự quy định:
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.”
Như vậy, trường hợp vụ án đã được đưa ra xét xử sau đó mới tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 259 nêu trên, nhưng sau đó lý do tạm đình chỉ không còn thì Tòa án phải căn cứ Điều 216 của Bộ luật Tố tụng dân sự để ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự theo mẫu số 44-DS ban hành theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13-01-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong mẫu số 44-DS không có nội dung về ngày mở phiên tòa. Vì vậy, kèm theo quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, Tòa án gửi thông báo ngày mở lại phiên tòa và phiên tòa sẽ được tiến hành lại từ đầu.”
Với giải đáp “phiên tòa sẽ được tiến hành lại từ đầu” như trên có thể hiểu là phiên tòa sẽ phải tiến hành lại tất cả các thủ tục tố tụng như phiên tòa lần đầu tiên. Từ phổ biến quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng đến xem xét sự vắng mặt của đương sự, Kiểm sát viên, … nghị án và tuyên án. Hoặc nếu tại phiên tòa lần này mà có đương sự vắng mặt, không có lý do thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay có một số quan điểm cho rằng việc phiên tòa phải tiến hành lại từ đầu sau khi Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự trong mọi trường hợp là chưa thật hợp lý, cần nghiên cứu hướng dẫn lại. Bởi vì, sự khác nhau giữa việc Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa với việc ra quyết định định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là ở chỗ thời gian để khắc phục lý do ngừng phiên tòa. Nghĩa là, trong thời gian 01 tháng mà lý do ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa. Hết thời gian 01 tháng mà lý do ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa. Như vậy, về cơ bản lý do để ngừng phiên tòa được khắc phục trong thời gian 01 tháng và lý do để ngừng phiên tòa được khắc phục sau hơn 01 tháng là không có gì thay đổi.
Tất cả các lý do này đều xoay quanh các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 Điều 259 BLTTDS. Chẳng hạn, phiên tòa đang tiến hành đến thủ tục hỏi tại phiên tòa mà qua kết quả hỏi thì thấy rằng cần phải tiến xác minh, thu thập bổ sung thêm chứng cứ nên phải ngừng phiên tòa. Như vậy, dù trong 01 tháng hay hơn 01 tháng thì vấn đề chính ở đây cũng chỉ là xác minh, thu thập bổ sung thêm tài liệu chứng cứ để làm rõ sự thật khách quan trong vụ án. Cho nên, nếu chỉ vì lý do Tòa ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà phải tiến tòa lại từ đầu phổ biến quyền, nghĩa vụ của đương sự, cho đương sự hỏi, Hội đồng xét xử hỏi… thậm chí có đương sự trước đó đã vắng mặt lần thứ hai nay lại tiếp tục vắng mặt mà phải hoãn phiên tòa tiếp là chưa thật sự hợp lý.
Do đó, một số quan điểm hiện nay cho rằng nếu sau khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà lý do ngừng phiên tòa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án kèm theo Thông báo về thời gian mở lại phiên tòa cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp là được. Chỉ trường hợp, sau khi Tòa án mở lại phiên tòa mà đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong phiên tòa trước vắng mặt, nay có mặt thì phiên tòa mới phải tiến hành lại từ đầu nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa của họ thì sẽ hợp lý hơn.
Vướng mắc nêu trên xuất phát từ thực tiễn xét xử tại Tòa án địa phương. Vấn đề này do còn nhận thức khác nhau nên rất mong bạn đọc cùng nghiên cứu và trao đổi thêm.
Nguồn: Tạp chí Tòa án