12/12/2019 07:36

Vướng mắc về cấp dưỡng nuôi con trong các vụ án ly hôn

Vướng mắc về cấp dưỡng nuôi con trong các vụ án ly hôn

Thực tiễn giải quyết các vụ án ly hôn thì vấn đề các đương sự tranh chấp vể cấp dưỡng nuôi con là khá phổ biến. Tuy nhiên, liên quan vấn đề cấp dưỡng nuôi con hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Bài viết trình bày một số quy định liên quan đến cấp dưỡng nuôi con, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất của tác giả.

1.Quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về cấp dưỡng nuôi con

Cấp dưỡng theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác (khoản 1 Điều 107). Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con (Điều 110). Cụm từ “không có khả năng lao động” hiện nay không được pháp luật quy định cụ thể. Do vậy, khả năng lao động có thể hiểu là khả năng dùng sức lực của người đó để tham gia vào quá trình sản xuất lao động nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ trước hết là cho nhu cầu vật chất, tinh thần cho chính bản thân người đó. Người không có khả năng lao động là người vì bị bệnh tật hay khiếm khuyết bộ phận cơ thể… mà không thể tham gia lao động nhằm nuôi sống bản thân họ.

Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình thì mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2.Một số vướng mắc trong thực tiễn

2.1 Về căn cứ xác định mức cấp dưỡng nuôi con

Trong các vụ án ly hôn mà Tòa án thụ lý giải quyết hiện nay, hầu như đương sự chỉ tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con. Chẳng hạn như một bên đương sự yêu cầu được quyền nuôi con sẽ yêu cầu bên còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con với một số tiền cụ thể hoặc chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, bên không trực tiếp nuôi con sẽ có ý kiến không đồng ý cấp dưỡng hoặc chỉ đồng ý mức cấp dưỡng thấp hơn yêu cầu của bên kia hoặc có ý kiến yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp như vậy, Tòa án phải xem xét để quyết định mức cấp dưỡng.

Theo quy định tại Điều 116 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi quyết định mức cấp dưỡng nuôi con, Tòa án phải căn cứ vào hai yếu tố đó là việc cấp dưỡng phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trước đây, theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị định 70/2001/NĐ-CP ) thì “khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”. Còn theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP thì: “Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”.

Tuy nhiên, với những quy định như vậy, rất khó để Tòa án có thể tính toán được thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như tính toán nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Từ vướng mắc trong thực tiễn như vậy, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được ban hành và có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.

Thực tiễn giải quyết tại các Tòa án trước đây và hiện tại thường vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC, cụ thể là “Toà án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con” để làm căn cứ giải quyết.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có quan điểm cho rằng các hướng dẫn tại Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không còn hiệu lực thi hành và không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cho nên Tòa án căn cứ vào hướng dẫn của các văn bản này để quyết định mức cấp dưỡng thông thường là bằng ½ tháng lương cơ sở là không đúng quy định pháp luật. Điều này dẫn đến thực tế là mức cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án không đáp ứng được chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng con chưa thành niên. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của TANDTC nên xác định mức cấp dưỡng nên Tòa án cần vận dụng tinh thần của các văn bản trước đây mà cụ thể là Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xem xét giải quyết về mức cấp dưỡng nuôi con.

2.2 Về thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định về thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 114 mà không quy định thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng ly hôn là từ lúc nào. Dẫn đến hiện nay trong thực tiễn có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm thực hiện cấp dưỡng nuôi con.

Có quan điểm cho rằng mặc dù chưa có quy định cụ thể trường hợp vợ chồng ly hôn có tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con thì thời điểm cấp dưỡng nuôi con được tính từ lúc nào, tuy nhiên theo khoản 1 Điều 482 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì “Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị: a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng,…”. Từ quy định này có thể hiểu nghĩa vụ cấp dưỡng phãi được thực hiện nay khi Tòa án ban hành bản án hoặc quyết định về cấp dưỡng. Vì vậy, khi ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự hoặc ra bản án thì Tòa án cần thiết phải ghi rõ thời điểm cấp dưỡng nuôi con. Thời điểm cấp dưỡng nuôi con tính từ ngày Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành hoặc tính từ ngày tuyên án.

Tuy nhiên, cũng còn có quan điểm cho rằng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ có quy định về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng nuôi con do vợ chồng thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì pháp luật không có quy định thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn từ lúc nào nên Tòa án không cần phải ghi thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con vào quyết định, bản án của Tòa án. Cho nên thời điểm cấp dưỡng nuôi con được tính từ ngày vợ hoặc chồng gửi đơn yêu cầu thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự để yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

2.3 Về nghĩa vụ của cha, mẹ khi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Thực tiễn cho thấy không phải trường hợp nào cha, mẹ là người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cụng thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng như thỏa thuận tại Tòa hoặc theo quyết định của Tòa án. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người con. Nhưng nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mà chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ không vẫn còn quan điểm khác nhau.

Có trường hợp Tòa án buộc người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng có trường hợp thì không. Theo quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.”. Còn theo quy định tại điều 282 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Nghĩa vụ được thực hiện theo định kỳ theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ.”. Như vậy, về bản chất chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (bằng tiền) cũng có tính chất như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền nên theo quy định tại Điều 357 BLDS năm 2015 thì người chậm thực người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều này sẽ hạn chế người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tình chậm trễ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong giai đoạn thi hành án.

3.Kiến nghị, đề xuất

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật về cấp dưỡng, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể các vướng mắc sau:

Thứ nhất, để Tòa án quyết định mức cấp dưỡng nuôi con đảm bảo hài hòa hai yếu tố: thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng với nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng là rất khó khăn. Bởi vì trong nhiều trường hợp nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng thì lớn hơn thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng; nhiều trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không có việc làm ổn định hoặc không có việc làm nên thu nhập của họ thấp và thậm chí là không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của chính bản thân họ. Chính vì vậy mà nhiều trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Từ đó, quyết định về mức cấp dưỡng của Tòa án đôi khi không thực hiện được trên thực tế. Theo tác giả, mức cấp dưỡng để Tòa án quyết định trong tình hình hiện nay là không thấp hơn 2/3 mức lương cơ bản hoặc không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.

Thứ hai, cần có hướng dẫn bản án, quyết định của Tòa án có quyết định về cấp dưỡng thì cần phải ghi thời điểm cấp dưỡng như sau: “Bản án, quyết định của Tòa án có quyết định về cấp dưỡng thì phải ghi thời điểm cấp dưỡng. Thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành hoặc tính từ ngày tuyên án”.

Thứ ba, cần hướng dẫn người chậm thực người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Trong Bản án, quyết định của Tòa án có quyết định về cấp dưỡng thì phải buộc người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

3687

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]