16/10/2020 07:46

Vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay nặng lãi

Vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay nặng lãi

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung làm rõ chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Qua đó, đưa ra kiến nghị để hoàn thiện các quy định của pháp luật về chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng không đủ định lượng để xử lý sự.

Tình trạng cho vay lãi nặng, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay, gần đây bùng phát dữ dội. Đáng lưu ý, tín dụng đen không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mà còn tràn đến các khu công nghiệp – khu chế xuất, các thành phố lớn, khắp hang cùng ngõ hẻm với các tờ rơi quảng cáo kiểu “alô là có tiền, lãi suất thấp không cần thế chấp”. Số vụ án được phát hiện ngày càng nhiều, diễn ra trên phạm vi rộng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Kèm theo những hoạt động cho vay lãi nặng là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích để thu hồi nợ của người vay như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ… Các hoạt động cho vay lãi nặng đang là một vấn đề nhức nhối cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân.

Quy định của pháp luật về tội cho vay lãi nặng

Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) đã kịp thời sửa đổi, bổ sung thêm những quy định của BLHS năm 1999 về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đó là, “hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích….”. Đồng thời Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 cũng đã sửa đổi, bổ sung mức lãi suất cho vay chi tiết hơn so với BLDS năm 2005. Bởi vì, BLDS năm 2005 quy định về lãi suất vay là: Do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng và trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (Điều 476); BLDS năm 2015, không áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu khi xác định trần lãi suất cho vay, cũng như xác định các lãi suất liên quan đến các trách nhiệm dân sự khác như lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Đây cũng là những điểm mới quan trọng, được quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015, theo đó, Điều 468 BLDS năm 2015 quy định mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự như sau:

“1. Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Như vậy, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm quy định chi tiết hơn về xử lý hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cụ thể khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 quy định cấu thành cơ bản đó là, “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồnghoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”  và  Điều 468 BLDS 2015 cũng sửa đổi, bổ sung nhằm quy định chi tiết hơn về lãi suất đó là, “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Vướng mắc trong thực tiễn

Trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến một số trường hợp tuy có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng số tiền thu lợi bất chính không đủ định lượng cấu thành tội phạm nhưng không có căn cứ để xử lý hành chính.

Đối với các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng số tiền thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, không thuộc các trường hợp “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích….” thì không thể xử lý về hình sự và cũng không thể xử lý hành chính được. Bởi vì, điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy; phòng, chống bạo lực gia đình ( Nghị định số 167) quy định: “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay”.

Trong thực tiễn xử lý các trường hợp cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cho thấy có một số trường hợp cùng một lúc đối tượng cho vay nhiều người và một người cùng lúc làm nhiều hợp đồng để vay tiền, hành vi cho vay có nhiều hình thức khác nhau, người cho vay và người vay có thể thực hiện bằng hợp đồng viết, giấy biên nhận, có thể chỉ là hợp đồng miệng. Trong hợp đồng cho vay, thường các đối tượng cho vay không ghi thỏa thuận về lãi suất, chỉ có ghi số tiền vay, ngày trả trong hợp đồng và các hợp đồng vay có thời hạn phải thanh toán tiền vay từ 15 đến 30 ngày hoặc 42 ngày và các bên tự thỏa thuận lãi bằng miệng chứ không ghi trong hợp đồng. Đồng thời hầu hết các vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự các đối tượng cho vay “không cần thế chấp hoặc cầm cố tài sản của người vay” dẫn đến các trường hợp cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi phát hiện mà số tiền thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng không đủ định lượng để xử lý hình sự thì chưa có chế tài để xử lý.

Nghị định số 167 về xử phạt hành chính quy định người vay tiền phải “có cầm cố tài sản” thì mới xử phạt hành chính được nếu không có cầm cố tài sản thì không thể xử lý hành chính được. Dẫn đến các đối tượng cho vay khi phát hiện trong quá trình điều tra xác định số tiền thu lợi dưới 30.000.000 đồng và không thuộc các trường hợp “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích….”. Nhưng sau đó đối tượng lại tiếp tục cho vay, nhưng số tiền thu lợi dưới 30.000.000 đồng cũng không xử lý được.

Trước tình trạng tính dụng đen bùng nổ, chế tài xử phạt hành chính chưa có quy định cụ thể, chi tiết gây khó khăn cho việc xử lý. Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người không phạm tội, tác giả đề nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung vào điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167 cho phù hợp với BLHS năm 2015 và BLDS năm 2015 theo hướng: “Cho vay tiền nhưng lãi suất cho vay vượt quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay”.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

1765

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]