25/10/2019 07:37

Vướng mắc trong xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội

Vướng mắc trong xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 lần đầu tiên đã bổ sung quy định chủ thể của trách nhiệm hình sự (TNHS) là pháp nhân thương mại (PNTM). Đây là một nội dung mới, quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống, bên cạnh nguyên tắc cá thể hóa TNHS, luật hình sự Việt Nam đã đặt ra TNHS của PNTM trong một số tội theo quy định của Bộ luật.

Qua nghiên cứu các quy định Bộ luật hình sự 2015 về PNTM phạm tội tác giả nhận thấy, có một số quy định còn mâu thuẫn, chưa đồng nhất với nhau và sẽ gây khó khăn khi áp dụng các quy định này trong thực tiễn, cần phải có những sửa đổi, hoàn thiện, đồng thời, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sửa đổi các quy định của BLHS 2015.

1. Kiến nghị hoàn thiện Điều 8 BLHS 2015 về khái niệm phạm tội

Khái niệm tội phạm như sau: Khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 quy định về “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, …”. Theo khái niệm này, thì có 02 tội phạm do 02 chủ thể thực hiện: một là, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý; Hai là, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do PNTM thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Việc hiểu như thế là hoàn toàn phù hợp với quy định về nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 BLHS 2015 (quy định rõ nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội (cá nhân) và nguyên tắc xử lý đối với PNTM phạm tội).

Tuy nhiên, tại các điều luật cụ thể hóa tiếp theo như: Điều 9 quy định về phân loại tội phạm; Về yếu tố lỗi được quy định tại các Điều 10, 11; Về trường hợp không có lỗi quy định Điều 20 và các điều luật khác (đồng phạm, che giấu tội phạm, phạm tội chưa đạt…) đều chỉ quy định một chủ thể của tội phạm đó là cá nhân, vô hình trung đã bỏ sót chủ thể PNTM. Thực tiễn đặt ra vấn đề là, khi PNTM phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh trong trường hợp nào là tội phạm với lỗi cố ý, trường hợp nào sẽ là phạm tội với lỗi vô ý, bởi lẽ, BLHS không quy định.

Mặt khác, theo Điều 75 BLHS 2015 quy định về điều kiện chịu TNHS của PNTM:

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

Theo quy định này, trong 04 điều kiện chịu TNHS của PNTM được quy định tại khoản 1, thì tội phạm mà PNTM chịu TNHS chỉ có thể là do cá nhân thực hiện “nhân danh pháp nhân thương mại” và “có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại”. Do đó, tại khoản 2 Điều 75 quy định: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Điều này một lần nữa khẳng định, chỉ có cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn khoản 1 Điều 75 thì PNTM phạm tội mới chịu TNHS và sẽ không loại trừ TNHS của cá nhân.

Từ phân tích trên cho thấy, chỉ có một tội phạm do cá nhân thực hiện, nhưng có thể có đến 02 chủ thể phải chịu TNHS là cá nhân và PNTM. Do đó, cần sửa đổi khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 theo hướng bỏ cụm từ “hoặc pháp nhân thương mại” và cần bổ sung một khoản có nội dung quy định “Đối với hành vi của pháp nhân thương mại thực hiện bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này”. Theo hướng sửa đổi này, khái niệm về PNTM phạm tội sẽ hoàn toàn phù hợp với các điều luật cụ thể hóa của BLHS.

2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với PNTM phạm tội tại Điều 78 BLHS 2015

Tại khoản 1 Điều 78 BLHS 2015 quy định: “Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế”. Theo quy định này, chúng tôi thấy có sự mâu thuẫn ngay trong nội tại của điều luật, cụ thể khi gây thiệt hại đến tính mạng con người, thì trên thực tế, sẽ không thể khắc phục được, ví dụ một người đã chết thì không khắc phục được, trong khi điều luật lại quy định là có khả năng khắc phục trên thực tế là không khả thi.

Mặt khác, điều luật quy định chỉ buộc PNTM phạm tội khắc phục hậu quả, thực tế đặt ra là, nếu sau khi khắc phục hậu quả và chịu hình phạt là đình chỉ hoạt động một thời gian theo khoản 2 Điều 78 BLHS 2015, PNTM tiếp tục được hoạt động lại và tiếp tục tái phạm gây ra hậu quả như trước đây, thì rõ ràng tác dụng của hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn của PNTM phạm tội không đạt được hiệu quả như mong muốn. Vấn đề đặt ra là, khắc phục nguyên nhân gây ra hậu quả hay là khắc phục hậu quả, theo tác giả, phải quy định khắc phục nguyên nhân gây ra hậu quả mới đảm bảo tính triệt để. Bởi lẽ, khi bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, PNTM có thời gian rà soát lại nguyên nhân gây ra hậu quả và hướng khắc phục những nguyên nhân đó, chứ không phải chỉ có việc khắc phục hậu quả do mình gây ra là xong.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, cần hoàn thiện khoản 1 Điều 78 BLHS 2015 theo hướng bỏ cụm từ gây thiệt hại đến “tính mạng” và thay cụm từ “hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế” bằng cụm từ “nguyên nhân gây ra hậu quả đó có khả năng khắc phục trên thực tế”. Cụ thể khoản 1 Điều 78 BLHS 2015 được sửa đổi như sau:

Điều 78. Đình chỉ hoạt động có thời hạn

1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và nguyên nhân gây ra hậu quả đó có khả năng khắc phục trên thực tế.

3. Kiến nghị hoàn thiện quy định về cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định đối với PNTM phạm tội tại Điều 80 BLHS 2015

Theo quy định tại Điều 80 BLHS 2015 thì việc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để PNTM bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội và thời hạn cấm này được quy định từ 01 năm đến 03 năm. Xét về bản chất, thì quy định này giống về tính chất cưỡng chế so với hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với PNTM phạm tội quy định tại Điều 78 BLHS 2015, điều khác biệt ở chỗ, đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình phạt chính, còn cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định là hình phạt bổ sung.

Tuy nhiên, xét về tính nghiêm khắc, thì hình phạt bổ sung cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định nghiêm khắc hơn hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn. Bởi cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm, còn đình chỉ hoạt động có thời hạn chỉ trong thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Quy định như trên thì tính cưỡng chế của hình phạt chính không bằng hình phạt bổ sung là không phù hợp. Do đó, theo tác giả, cần quy định thời hạn của hình phạt bổ sung cấm kinh doanh trong một số hoạt động nhất định phải thấp hơn thời hạn của hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn mới bảo đảm được tính cưỡng chế của hình phạt chính.

TNHS của PNTM phạm tội là một vấn đề mới trong BLHS 2015 nhưng đã bộc lộ những hạn chế nhất định cần phải được sửa đổi, bổ sung. Ở Việt Nam, chưa có thực tiễn nên cần phải quy định chặt chẽ về mặt lý luận để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách thống nhất, đồng thời, tham khảo thực tiễn của các nước trên thế giới nhằm bảo đảm các quy định trong BLHS Việt Nam về TNHS của pháp nhân đáp ứng được yêu cầu về chính sách hình sự và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

2436

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]