15/07/2020 14:02

Vướng mắc trong việc thực hiện quy định về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án

Vướng mắc trong việc thực hiện quy định về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án

Với những quy định công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án hiện nay, có hai quan điểm và áp dụng khác nhau của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.

Ngày 16/3/2017, TANDTC ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án (Nghị quyết 03), sau đó ngày 04/7/2017 TANDTC ban hành Công văn 144/TANDTC-PC để Hướng dẫn Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP. Tuy nhiên trong Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP và Công văn số 144/TANDTC-PC có một số nội dung quy định chưa rõ dẫn đến cách hiểu khác nhau nên khi triển khai thực hiện tại phiên tòa không có sự đồng nhất.

Tại Điều 5 Nghị quyết 03 quy định: “Khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, Chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh”

Tại mục 3 của Công văn 144 quy định về phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như sau: “… Khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, Chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho họ biết bản án, quyết định giải quyết vụ việc mà họ là người tham gia tố tụng thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật”

Cũng tại mục 3 của Công văn 144 quy định: “Việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; yêu cầu của người tham gia tố tụng về công bố hoặc không công bố bản án, quyết định phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp”.

Với những quy định như trên, dẫn đến hai quan điểm và áp dụng khác nhau của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa như sau:

Quan điểm thứ nhất, những người tham gia tố tụng chỉ có quyền yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật (bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh). Trường hợp, bản án, quyết định không thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án (Điều 4 Nghị quyết 03) thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải thích cho những người tham gia tố tụng biết và không cần hỏi họ về việc giữ bí mật thông tin. Trường hợp bản án, quyết định thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin Tòa án (Điều 3 Nghị quyết 03), tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng Chủ tọa phiên tòa sẽ thông báo cho những người tham gia tố tụng biết bản án, quyết định của vụ việc mà họ tham gia thuộc diện được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và đặt câu hỏi cho những người tham gia tố tụng như sau:

Ví dụ đối với bị cáo: “Bị cáo có yêu cầu Tòa án không công bố nội dung gì liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh không?”

Đối với trường hợp này, khi có yêu cầu giữ bí mật từ những người tham gia tố tụng thì nội dung mà họ yêu cầu giữ bí mật sẽ được mã hóa theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 03. Nếu họ không có yêu cầu giữ bí mật thông tin gì thì bản án, quyết định được mã hóa theo quy định chung của Điều 7 Nghị quyết 03 và mục 2 của Công văn 144.

Quan điểm thứ hai, căn cứ vào quy định tại mục 3 của Công văn 144 đó là “… yêu cầu của những người tham gia tố tụng về công bố hoặc không công bố bản án, quyết định phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp”, quy định này dẫn đến cách hiểu những người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu công bố hoặc không công bố bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tung, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi những người tham gia tố tụng như sau: Ví dụ đối với bị cáo: “Bị cáo có yêu cầu tòa công bố hoặc không công bố bản án, quyết định không?”. Như vậy, khi có sự mẫu thuẫn giữa những người tham gia tố tụng về việc công bố hay không công bố bản án, quyết định hoặc khi một trong những người tham gia tố tụng có yêu cầu không công bố bản án, quyết định thì việc công bố sẽ được giải quyết như thế nào?.

Theo tác giả nên hiểu và áp dụng những quy định tại Nghị quyết 03 và Công văn 144 về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điển tử của Tòa án như quan điểm thứ nhất. Tại Nghị quyết 03 đã quy định những bản án, quyết định được công bố (Điều 3) và những bản án, quyết định không công bố (Điều 4). Trong đó đã quy định bản án, quyết định nào Tòa án được và không được công bố nên những người tham gia tố tụng không có quyền quyết định việc công bố hay không công bố bản án, quyết định của Tòa án. Thẩm phán trong khi nghiên cứu giải quyết, xét xử vụ án cần nắm rõ những nội dung trên để thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 03 khi điều hành phiên tòa.

Đối với nội dung quy định tại mục 3 của Công văn 144: “Việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; yêu cầu của người tham gia tố tụng về công bố hoặc không công bố bản án, quyết định phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp” theo tác giả để đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật nên sửa đổi theo hướng “Việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh của những người tham gia tố tụng phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp”.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1640

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]