14/03/2022 14:55

Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 194 BLTTHS về khám xét người

Vướng mắc trong việc áp dụng Điều 194 BLTTHS về khám xét người

Việc khám xét đang gặp phải một số khó khăn xuất phát từ việc BLTTHS năm 2015, chưa dự liệu đầy đủ các trường hợp cho phép khám xét mà không cần có lệnh, trong đó có trường hợp khám xét người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

Các trường hợp khám xét người

Theo quy định tại Điều 192 BLTTHS, việc khám xét người chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Khám xét người phải có lệnh của những người quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành. Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này cũng có thẩm quyền ra lệnh khám xét.

Tuy vậy, trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh (khoản 3 Điều 194 BLTTHS).

Chỉ bắt đầu khám xét sau khi yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án nhưng họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật. Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và phải có người khác cùng giới chứng kiến. Khi khám xét không được xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.

Vướng mắc và kiến nghị

Trước đây, Điều 142 BLTTHS năm 2003 quy định có thể khám xét người mà không cần có lệnh khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Quy định này giúp phát hiện, thu giữ kịp thời các dấu vết, đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, từ đó bảo đảm các quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được chính xác, khách quan.

BLTTHS hiện hành đã thay “bắt người trong trường hợp khẩn cấp” bằng “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” và quy định bắt buộc phải có lệnh khi khám xét người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Điều này dẫn tới một số khó khăn trong thực tiễn giữ người và khám xét người bị giữ.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 194 BLTTHS, có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. 05 trường hợp bắt người gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người bị yêu cầu dẫn độ (Điều 109 BLTTHS). Như vậy, khám xét người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải có lệnh khám xét của người có thẩm quyền.

Vì phải có lệnh của người có thẩm quyền mới có thể khám xét người bị giữ trong trường hợp khẩn, cho nên trong quá trình tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp mới phát hiện trên người đó có dấu vết tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến tội phạm thì Cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành các thủ tục để khám xét người, việc này làm mất nhiều thời gian, không đảm bảo tính kịp thời khi giữ người tại những nơi có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, xa trụ sở cơ quan có thẩm quyền. Nếu áp giải người bị giữ về trụ sở mới khám xét thì có thể người bị giữ không thừa nhận và cho rằng người có thẩm quyền đã để các đồ vật, tài liệu này lên người của họ hoặc trong quá trình áp giải, người bị giữ sẽ tìm mọi cách bỏ chạy, lợi dụng sơ hở để ném, vứt vật chứng, đồ vật, tài liệu khiến việc chứng minh tội phạm gặp khó khăn. thực tế đã xảy ra vụ việc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp không thừa nhận cất giấu chất ma túy trong người do người có thẩm quyền không tiến hành khám xét ngay tại nơi giữ người mà áp giải họ về trụ sở mới ra lệnh, thi hành lệnh khám xét, gây ra không ít khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.  

Vì lẽ đó, theo tác giả, cần tổng kết thực tiễn, bổ sung các trường hợp được khám xét mà không cần có lệnh. Trước mắt, bổ sung quy định khám xét người không cần lệnh khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng.

“Điều 194. Khám xét người

1. Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.

3. Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.”

ANH MINH

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

1262

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]