08/06/2021 13:51

Vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm

Vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm

Thụ lý vụ án dân sự là hoạt động đầu tiên của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự giữa cơ quan tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý, giải quyết đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.

1. Cơ sở pháp lý và vướng mắc trong thực tiễn 

Thực tế cho thấy có hai vấn đề thường xảy ra, đó là người khởi kiện không nộp lại án phí sơ thẩm và vắng mặt hai lần không có lý di, gây khó khăn cho Tòa án.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 195 BLTTDS thì “Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí”. Trường hợp người khởi kiện không nộp cho Toà án biên lại thu tiền tạm ứng án phí thì Toà án có quyền trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 192 BLTTDS “Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng”.

Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định “Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực pháp luật bị Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm mà tiền tạm ứng án phí, án phí đã được trả lại cho người khởi kiện, người kháng cáo thì khi Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm thụ lý lại vụ án phải yêu cầu người khởi kiện, người kháng cáo nộp lại tiền tạm ứng án phí” mà không nêu rõ hậu quả pháp lý của việc người khởi kiện không nộp lại tiền tạm ứng án phí.

Có quan điểm cho rằng, người khởi kiện không nộp lại tiền tạm ứng án phí thì Toà án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 192 BLTTDS.

Trái lại, có quan điểm cho rằng, người khởi kiện không nộp lại tiền tạm ứng án phí thì Toà án vẫn tiến hành thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo pháp luật tố tụng dân sự mà không thể trả lại đơn khởi kiện khi chưa được sự đồng ý của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có).

Trong trường hợp này thì tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai đó là Toà án vẫn tiến hành thụ lý vụ án vì bởi lẽ đây là vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật mà theo quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Ở trường hợp này có thể hiểu rộng ra là khi Toà án trả lại đơn khởi kiện thì phải có sự đồng ý của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có).

Vấn đề thứ hai là Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà nguyên đơn, bị đơn vắng mặt không có lý do. Điều đó đồng nghĩa với việc nguyên đơn từ bỏ yêu cầu khởi kiện và bị đơn không có ý kiến gì. Khi đó Toà án Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 217 BLTTDS là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của BLTTDS hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 312 của BLTTDS hoặc điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 143, khoản 5 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”. Nhưng trong trường hợp này nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng án phí thì lấy đâu ra tiền tạm ứng án phí để sung vào công quỹ nhà nước. Trường hợp này Toà án xác định hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án sẽ ra sao?

Có ý kiến cho rằng, nguyên đơn không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm. Vì nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng án phí thì không có cơ sở để tuyên số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Nguyên đơn không chấp hành theo quy định của pháp luật và không phải chịu tổn thất nào. Như vậy trong trường hợp này nguyên đơn liệu có được “hời” quá không.

Ý kiến khác cho rằng, nguyên đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm bằng tiền tạm ứng án phí phải nộp để sung vào công quỹ nhà nước. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của BLTTDS hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 312 của BLTTDS hoặc điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 143, khoản 5 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”. Nếu nguyên đơn chưa nộp lại tiền tạm ứng án phí thì khi Quyết đình đình chỉ giải quyết vụ án thì Toà án buộc nguyên đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm bằng tiền tạm ứng án phí phải nộp để sung vào công quỹ nhà nước.

2.Một số kiến nghị

Từ thực tiễn đó, chúng tôi xin kiến nghị:

Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH theo hướng quy định rõ hậu quả pháp lý của việc người khởi kiện không nộp lại tiền tạm ứng án phí thì Toà án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 192 BLTTDS khi có sự đồng ý của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có).

Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH và khoản 2 Điều 218 BLTTDS theo hướng: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của BLTTDS hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 312 của BLTTDS hoặc điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 143, khoản 5 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước;  Đối với trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật bị Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án sơ thẩm mà tiền tạm ứng án phí, án phí đã được trả lại cho người khởi kiện mà người khởi kiện không nộp lại tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu của Tòa án cấp sơ thẩm thì nguyên đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm bằng tiền tạm ứng án phí phải nộp để sung vào công quỹ Nhà nước”.

Qua học tập, nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua qua, tác giả nhận thấy còn một vài vướng mắc nêu trên. Qua bài viết này tác giả rất mong sớm nhận được sự phản hồi của các đọc giả và mong thời gian tới sẽ có những hướng dẫn, bổ sung kịp thời để công tác xét xử được thống nhất.

ĐINH THỊ THUỲ (Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

2011

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]