01/12/2018 16:30

Vướng mắc trong công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án đối với vụ án hình sự

Vướng mắc trong công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án đối với vụ án hình sự

Trong một số vụ án hình sự vẫn tồn tại một số vướng mắc trong việc công bố các bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Bài viết này sẽ đề cập đến một số vướng mắc đó.

Ngày 16/3/2017, TANDTC ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của Tòa án, sau đó ngày 04/7/2017 TANDTC ban hành Công văn 144/TANDTC-PC để Hướng dẫn Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc và quy định khi công bố bản án, quyết định:

Thứ nhất, người tham gia tố tụng vắng mặt phải có văn bản yêu cầu Tòa án giữ bí mật thông tin

- Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 4 của Nghị quyết 03, quy định những Bản án, Quyết định không công bố: “… người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;”.

 - Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 03 và khoản 3 Công văn 144 thì chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải giải thích quyền và nghĩa vụ  của những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh và theo quy định tại khoản 3, Điều 301 BLTTHS cũng quy định việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng.

- Đoạn 4 của khoản 3, Công văn 144 quy định:  “Trường hợp người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, phiên họp và Tòa án xét xử vắng mặt họ theo quy định của pháp luật mà người vắng mặt không có văn bản yêu cầu Tòa án giữ bí mật thông tin thì được xác định là họ không yêu cầu giữ bí mật thông tin.”

Như vậy, khi người tham gia tố tụng mà tham dự tại phiên tòa, phiên họp sẽ được biết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc Tòa án công bố bản án, quyết định. Trong trường hợp liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh thì họ phải làm văn bản yêu cầu giữ bí mật để Tòa án không công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin.

Vậy trong trường hợp người tham gia tố tụng được phép xét xử vắng mặt  thì họ sẽ không biết quyền yêu cầu giữ bí mật là phải có văn bản yêu cầu, vì quyền này chỉ được giải thích tại phiên tòa, do đó đến khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Tòa án sẽ công bố Bản án đó sẽ ảnh hưởng tới bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh của họ, quy định này lại trái với nguyên tắc tại khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết 03, đó là: “ Việc công bố bản án, quyết định phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật điều tra, bí mật công tác, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh; bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người dưới 18 tuổi; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”.

Để giải quyết vướng mắc này thiết nghĩ, cần có văn bản hướng dẫn khi Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì cần có thêm nội dung về quyền yêu cầu giữ bí mật của người tham gia tố tụng trong trường hợp không tham dự phiên tòa.

Thứ hai, hiểu như thế nào là: “ Bảo vệ đời sống riêng tư”; “Bí mật cá nhân”; “Bí mật gia đình”?

Để bảo đảm quyền của người tham gia tố tụng khi Tòa án công bố bản án, quyết định  trên cổng thông tin điện tử thì hiểu như thế nào là: “ Bảo vệ đời sống riêng tư”; “Bí mật cá nhân”; “Bí mật gia đình”?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 03 thì trước khi công bố Bản án, Quyết định trên cổng thông tin điện tử, Tòa án phải mã hóa đối với những thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Vấn đề này, hiện nay nhiều Tòa án rất lúng túng vì chưa có quy định nào hướng dẫn như thế nào là liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình để tiến hành việc mã hóa. Trong khi đó quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ ( khoản 1 Điều 38 BLDS).  Do vậy vấn đề này cũng cần có hướng dẫn cụ thể để các Tòa án thống nhất áp dụng.

Thứ ba, không mã hóa tên của những người tiến hành tố tụng

Khoản 3, Điều 7, Nghị quyết số 03 quy định “ Không mã hóa tên của những người tiến hành tố tụng”. Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng họ chỉ khác nhau về địa vị pháp lý trong một quan hệ cụ thể, ví dụ ông A là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đối với  vụ án hình sự , trong vụ án đó có ông B là giám đốc công ty X và là nguyên đơn dân sự của vụ án. Theo quy định của Nghị quyết số 03 và Công văn số 144 thì phải mã hóa tên ông B, mã hóa đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của ông B và mã hóa công ty X. Còn đối với những người tiến hành tố tụng là ông A thì không mã hóa tên của họ, nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này, bởi vì:

Mọi người đều có quyền về bí mật cá nhân ( Điều 38 BLDS).

Tiếp nữa, khi Bản án đã được công bố trên cổng thông tin sau một thời gian thì có thể bản án đó bị Giám đốc thẩm dẫn tới hủy bản án và đình chỉ vụ án. Như vậy trong thời gian bản án đó được công bố thì tên của những người tiến hành tố tụng thuộc cơ quan nào đều được công khai và khi bản án giám đốc thẩm tiếp tục được công bố tên của họ lại được công bố lần thứ hai. Việc không mã hóa tên của người tiến hành tố tụng sẽ dẫn đến hiện tượng chê bai, hạ thấp uy tín  tên của cán bộ đó trên các thông tin đại chúng khác trong khi người tiến hành tố tụng này mắc sai phạm thì họ đã bị xử lý theo chế tài cụ thể, ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp khi tên của họ được công bố thì những đối tượng có tính trả thù cá nhân sẽ có những hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại đến họ.

Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, nên quy định mã hóa tên của những người tham gia tố tụng để bảo đảm quyền của họ.

Loan Đỗ
1345

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]