15/07/2021 14:13

Vướng mắc trong áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người bị buộc tội khi xét xử vụ án hình sự

Vướng mắc trong áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người bị buộc tội khi xét xử vụ án hình sự

Giải quyết vụ án hình sự là quá trình tố tụng đặc biệt, theo đó các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập, xem xét, đánh giá toàn diện tất cả các tình tiết, chứng cứ có liên quan.

Quá trình giải quyết vụ án hình sự phải tuân thủ nghiêm ngặt các trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản có liên quan. Kết quả cuối cùng của quá trình giải quyết vụ án là đưa ra quyết định hoặc bản án mang tính thuyết phục cao, phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước trong chính sách hình sự hiện nay. Bên cạnh thu thập, xem xét, đánh giá tất cả các chứng cứ, tình tiết thực tế xảy ra gây thiệt hại cho các chủ thể được luật hình sự bảo vệ, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo áp dụng triệt để nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội. Đây là một trong những nội dung lớn được thể hiện trong quy định của pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án hình sự. Nếu quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng hoặc áp dụng không đúng hoặc áp dụng không đầy đủ đều dẫn đến phán quyết không phù hợp theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), cũng như chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Những quy định liên quan đến nguyên tắc có lợi cho người phạm tội khi xét xử vụ án hình sự

Một số nội dung có lợi cho người phạm tội quy định trong BLTTHS

BLTTHS là văn bản pháp luật điều chỉnh các quy định về trình tự, thủ tục để giải quyết vụ án hình sự từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử. Thông qua các quy phạm được thể hiện trong Bộ luật, có thể thấy được những điều chỉnh liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. Tuy trong Bộ luật không có nguyên tắc cụ thể quy định về áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, nhưng các quy phạm cụ thể của Bộ luật đã thể hiện về vấn đề có lợi cho người phạm tội. Theo đó, một số quy phạm điều chỉnh có lợi cho người phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án được thể hiện trong Bộ luật như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; thực hiện đúng quy định về quyền của bị cáo khi trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội; quyết định việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; hoãn phiên tòa khi bị cáo vắng mặt; quy định về các vấn đề liên quan đến người bào chữa; Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố; quy định về đình chỉ, tạm đình chỉ...

Quy định có lợi cho người bị buộc tội thể hiện trong BLHS

BLHS là văn bản quy định cụ thể về tội danh và hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội khi giải quyết; cũng giống như BLTTHS, BLHS không quy định cụ thể về nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội khi giải quyết vụ án hình sự. Theo đó, trong các quy phạm cụ thể của BLHS đều thể hiện nguyên tắc có lợi và được áp dụng đối với người phạm tội.

Các quy phạm có lợi cho người phạm tội được áp dụng khi giải quyết vụ án được thể hiện như chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự và chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự; khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra; người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác; quy định về phân loại tội phạm; người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành; quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định về miễn trách nhiệm hình sự; quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.

Các tội phạm cụ thể được phân hóa thành những nhóm khác nhau, những nhóm tội phạm có cùng tính chất được quy định những hình phạt, mức hình phạt tương ứng đảm bảo tính phù hợp cho các hành vi phạm tội; quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm cụ thể; các tội danh được phân hóa thành nhiều khoản khác nhau; trong một khoản của điều luật về tội phạm cụ thể được quy định gồm nhiều hình phạt khác nhau; các hình phạt đối với tội phạm cụ thể cũng được phân làm nhiều mức khác nhau; quy định các dấu hiệu giảm nhẹ để chuyển tội danh nhẹ hơn; quy định dấu hiệu giảm nhẹ định khung để chuyển khung hình phạt nhẹ hơn cho người phạm tội…

Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội

Vướng mắc về lập pháp

Thứ nhất, chưa quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật có lợi cho người bị buộc tội trong BLTTHS, BLHS. Hầu hết các chế định trong BLTTHS có liên quan lớn đến quá trình giải quyết vụ án hình sự đều cụ thể hóa thành nguyên tắc cơ bản để định hướng cụ thể cho cơ quan, người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có cơ sở áp dụng, tránh vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị buộc tội, cũng như những người tham gia tố tụng và các chủ thể khác có liên quan. BLTTHS quy định từ Điều 7 đến Điều 33 là các quy phạm cụ thể hóa thành các nguyên tắc cơ bản để áp dụng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Tại Điều 3 và Điều 91 BLHS cũng quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng khi giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong phần các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS và các nguyên tắc áp dụng khi giải quyết vụ án hình sự được quy định không thể hiện rõ về nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Từ việc không quy định cụ thể về nguyên tắc này nên trong thực tiễn quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc nhận thức và áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội trong một số trường hợp còn có sự khác nhau dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ hai, quy định mức giãn cách về các loại hình phạt quá lớn. Mặc dù, việc quy định mức giãn cách của các loại hình phạt trong các tội danh cụ thể là chế định có lợi cho người phạm tội, tạo cơ sở để áp dụng mức hình phạt phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong các vụ án. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong rất nhiều tội danh cụ thể mức giãn cách quá lớn dẫn đến khi xét xử, việc tuyên hình phạt cụ thể rất dễ dẫn đến tính không nghiêm khắc đối với người phạm tội trong các vụ án có tính chất tương tự như nhau, nhưng với Hội đồng xét xử khác nhau, các Tòa án án khác nhau có mức hình phạt, cũng như loại hình phạt khác nhau. Cụ thể, trong BLHS hiện hành có đến 131 tội danh quy định mức giãn cách của hình phạt cải tạo không giam giữ từ 03 tháng đến 03 năm; có 104 tội danh quy định mức giãn cách của hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, 105 tội danh quy định có mức giãn cách của hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, 93 tội danh quy định mức giãn cách của hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, 62 tội danh quy định mức giãn cách của hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, 18 tội danh quy định mức giãn cách của hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm… Từ quy định mức giãn cách quá lớn, nên trong thực tế xét xử cũng có nhiều vụ án đối với Hội đồng xét xử này tuyên mức án 03 năm tù (chẳng hạn), nhưng Hội đồng xét xử khác lại tuyên 04 năm, mặc dù tính chất của vụ việc tương tự như nhau…

Thứ ba, quy định về chế định miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) chưa thống nhất về thẩm quyền áp dụng.

BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cũng như thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội. Tuy nhiên, tại Điều 230 BLTTHS về đình chỉ điều tra và Điều 248 BLTTHS về đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, xác định Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS hoặc khoản 2 Điều 155 BLTTHS. Nếu căn cứ vào quy định này, có thể khẳng định việc miễn TNHS thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Nhưng theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 29 BLHS, với cách hành văn thể hiện rõ “Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử”, nếu thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tương ứng có thẩm quyền xem xét miễn TNHS; điều này thể hiện rõ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tại Điều 16; điểm b khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 29; khoản 2 Điều 91; khoản 4 Điều 110; khoản 4 Điều 247; khoản 7 Điều 364; khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS không thể hiện rõ là các cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn nào thì có thẩm quyền xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Như vậy, nếu khẳng định việc miễn TNHS được thực hiện ở các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án khi xuất hiện các tình tiết có thể miễn TNHS là không chính xác. Bởi lẽ, chỉ khi xuất hiện các căn cứ được quy định ở điểm a khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 29 BLHS thì giai đoạn điều tra và truy tố mới có thẩm quyền, nghĩa là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội, còn lại các quy định tại điểm b khoản 1, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS, khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS thì chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Việc khẳng định này được lý giải bởi hai lý do:

Một là, tại Điều 16, Điều 29 và khoản 2 Điều 91 BLHS không quy định giai đoạn điều tra và truy tố có thẩm quyền miễn TNHS khi có các căn cứ tương ứng.

Hai là, tại khoản 1 Điều 2 BLHS quy định “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS”. Và Điều 13 BLTTHS quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền xác định một người có tội hay không có tội bằng bản án hoặc quyết định. Theo Điều 2 BLHS thì một người khi đã phạm tội thì họ phải chịu TNHS. Theo đó, khi đã xác định người nào đó phải chịu TNHS thì mới xuất hiện khái niệm miễn TNHS. Do đó, về mặt lý luận thì có thể khẳng định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền quyết định miễn TNHS cho người phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế có một số trường hợp khi phát sinh căn cứ để miễn TNHS, ở giai đoạn điều tra, truy tố cũng có thể thực hiện được. Nhưng việc miễn TNHS ở giai đoạn điều tra, truy tố không được xác định bằng quyết định miễn TNHS mà được thể hiện bằng quyết định đình chỉ điều tra và đình chỉ vụ án.

Ngoài ra, đối với việc miễn TNHS đối với quy định tại khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 BLHS chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì chỉ trong quá trình xét xử, Tòa án xem xét tất cả các tình tiết của vụ án nếu thuộc trường hợp có thể miễn TNHS cho người phạm tội thì Hội đồng xét xử sẽ tuyên miễn TNHS cho họ.

Từ các phân tích trên, cho thấy quy định tại Điều 29 BLHS, quy định tại Điều 230 và 248 BLTTHS còn có sự mâu thuẫn lẫn nhau, chưa thể hiện rõ thẩm quyền quyết định việc miễn TNHS cho người phạm tội.

Vướng mắc trong quá trình áp dụng

Thứ nhất, vướng mắc khi áp dụng điều luật về tội danh cụ thể. Khi áp dụng các điều luật về tội danh cụ thể, nhất là các tội danh có dấu hiệu pháp lý gần tương đồng với nhau, hoặc giữa hành vi phạm tội và hành vi thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong thực tế gặp nhiều bất cập. Cụ thể, như tội “Giết người” trong trường hợp chưa có hậu quả chết người xảy ra và tội “Cố ý gây thương tích”, cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người; tội “Giết người” và “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”; tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Cố ý gây thương tích do tinh thần bị kích động mạnh”, “cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”; tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng” trong các vụ án đồng phạm; hành vi phạm tội và hành vi phòng vệ chính đáng… Quá trình định tội danh gặp phải những trường hợp như trên vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào, có thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không… Với tính đặc thù của tính chất pháp lý riêng biệt của từng tội danh sẽ không có sự trùng lặp nhau về đặc điểm pháp lý, nhưng về vụ việc cụ thể có những tính chất khác nhau, từ đó gây khó khăn trong áp dụng.

Thứ hai, vướng mắc khi đánh giá các tình tiết của vụ án. Quá trình xét xử một vụ án cụ thể bắt buộc Thẩm phán, Hội thẩm phải xem xét toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, từ tình tiết định tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự và các tình tiết liên quan đến nhân thân người phạm tội, như độ tuổi, học vấn, nhận thức, sự chối tội hay thừa nhận, ăn năn hối cải… Việc xem xét các tình tiết này, về nguyên tắc phải căn cứ vào quy định của pháp luật, dựa trên cơ sở sự việc xảy ra để so sánh, đối chiếu với quy định của pháp luật. Một yếu tố quan trọng và cũng dễ dẫn đến quá trình đánh giá, áp dụng không đảm bảo tính thực tế, khách quan đó là các tình tiết của vụ án xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng pháp luật chỉ quy định khung cơ bản, mang tính gợi ý chứ không phải là khuôn mẫu để áp dụng một cách cụ thể. Chẳng hạn, cùng là hành vi dùng dao gây thương tích cho người khác, nhưng có người cho rằng đó là hành vi thể hiện tính côn đồ, nhưng người khác thì cho rằng đó không phải là côn đồ.

Thứ ba, vướng mắc trong áp dụng các tình giảm nhẹ TNHS. Bên cạnh việc bất cập về đánh giá các tình tiết trong vụ án, việc quy định về tình tiết giảm nhẹ trong BLHS cũng còn những điểm chưa thật phù hợp. Điều 51 BLHS quy định 22 tình tiết (nhóm tình tiết) giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1; một tình tiết cụ thể là “Đầu thú” và không giới hạn các tình tiết khác quy định tại khoản 2. Tại khoản 1 quy định có trường hợp là các tình tiết đơn lẻ (các điểm c, d, đ, e, g, i, l, m, n, o, r, u), nhưng có trường hợp là nhóm các tình tiết (các điểm a, b, h, k, p, q, s, t, v, x). Với trường hợp quy định là nhóm các tình tiết khi người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ trong nhóm đó, nhưng chỉ được xem là một tình tiết giảm nhẹ để xem xét áp dụng dẫn đến chưa thật sự có lợi cho người phạm tội. Ví dụ, người phạm tội là người có công với cách mạng và cũng là cha của liệt sĩ, nhưng theo quy định chỉ áp dụng tình tiết quy định tại điểm x khoản 1; hoặc người phạm tội vừa có thành tích trong xuất sắc trong chiến đấu, vừa có thành tích trong công tác, nhưng chỉ áp dụng điểm v khoản 1 của Điều 51 BLHS… Tuy khi có nhiều tình tiết như vậy thì có thể xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở mức cao hơn cho người phạm tội, nhưng trong một số trường hợp khác thì dẫn đến không có lợi, như trong trường hợp xem xét cho hưởng án treo hoặc áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt…

Tại khoản 2 Điều 51 BLHS, chỉ quy định cụ thể một tình tiết là “Đầu thú”, còn lại việc áp dụng tùy thuộc vào sự đánh giá của Hội đồng xét xử. Việc trao quyền chủ quan cho Thẩm phán, Hội thẩm xem xét xác định và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này cũng dễ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, từ đó dẫn đến quyết định của Tòa án không nghiêm. Cụ thể, có Hội đồng xét xử xem tình tiết này là tình tiết theo khoản 2 để áp dụng, nhưng Hội đồng xét xử khác lại không áp dụng; hoặc có trường hợp lạm dụng việc xem xét để áp dụng; cũng có trường hợp Hội đồng xét xử bảo thủ không dám áp dụng… Tất cả các trường hợp vừa nêu đều dẫn đến quyết định trong bản án của Tòa án không đảm bảo tính thuyết phục và tính công bằng trong lượng hình đối với người phạm tội.

Thứ tư, vướng mắc trong áp dụng quy định về thủ tục tố tụng hình sự. Quá trình xét xử vụ án vấn đề áp dụng biện pháp ngăn chặn, thay đổi biện pháp ngăn chặn là nội dung dễ bị lạm dụng gây bất lợi cho người phạm tội. Có nhiều trường hợp các điều kiện về áp dụng biện pháp tạm giam không đảm bảo, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng hoặc điều kiện để thay đổi biện pháp ngăn chặn sang biện pháp tạm giam không đảm bảo, nhưng vẫn được áp dụng. Cơ quan áp dụng đưa ra nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do phổ biến nhất là nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc mở phiên tòa (đối với những vụ án được đưa ra xét xử rút kinh nghiệm, xét xử điểm). Hoặc khi điều kiện để thay đổi từ biện pháp ngăn chặn tạm giam sang biện pháp khác nhẹ hơn, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thay đổi, vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam.

Nguyên nhân của bất cập

Nguyên nhân khách quan:  Xuất phát điểm của nguyên nhân này là do chế định về áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội chưa được hoàn thiện. Trong BLTTHS chưa thể hiện nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, BLHS và BLTTHS quy định các quy phạm có lợi cho người bị buộc tội còn có những điểm chưa thật phù hợp. Các văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, những việc hướng dẫn áp dụng các quy định có liên quan cũng chưa được thực hiện; việc tập huấn nghiệp vụ để áp dụng các quy định này cũng chưa được chuyên sâu, phần lớn mang tính nguyên tắc, dấu hiệu cơ bản. Trong khi đó, trong áp dụng thực tế mỗi quy phạm phát sinh nhiều vấn đề mỗi người có sự nhận thức khác nhau, nên khi áp dụng cũng không thống nhất.

Nguyên nhân chủ quan: Phần lớn do trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm của người áp dụng chưa đảm bảo, từ đó nhận thức về vấn đề cụ thể chưa thật chính xác. Trong một số trường hợp, lợi dụng việc quy định của pháp luật chưa rõ ràng nên cố tình áp dụng sai tính chất của các quy phạm. Ở khía cạnh khác, vấn đề định hướng cho người bị buộc tội, đương sự có sự nhận thức đúng cũng là một yếu tố quan trọng để họ có sự nhìn nhận thực chất của vấn đề.

Kiến nghị hoàn thiện về áp dụng các quy định có lợi cho người bị buộc tội

Hoàn thiện quy định về lập pháp

Một là, quy định cụ thể về nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội. Như đã đề cập phần trên, xuất phát từ việc BLHS, BLTTHS không quy định cụ thể về nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, dẫn đến quá trình giải quyết vụ án việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội còn nhiều vướng mắc. Để quá trình giải quyết vụ án, khi xem xét áp dụng các quy định có lợi cho người bị buộc tội, thì việc quy định rõ nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội là rất cần thiết. Theo đó, trong BLTTHS và BLHS quy định rõ về nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội; nội dụng cụ thể có thể theo hướng, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải áp dụng những quy định có lợi cho người bị buộc tội được thể hiện trong luật, trường hợp trong luật chưa quy định cụ thể thì xem xét, cân nhắc chứng cứ để đánh giá, nếu chứng cứ chứng minh tính có lợi bằng hoặc nhiều hơn thì vận dụng quy định có lợi cho người bị buộc tội; khi áp dụng quy định có lợi cho người bị buộc tội ngoài các quy định cụ thể trong luật thì phải được thể hiện rõ lý do áp dụng, phân tích lý do đó vào trong văn bản tố tụng.

Hai là, hoàn thiện quy định của BLHS. Có rất nhiều các quy định có lợi cho người bị buộc tội liên quan đến quá trình giải quyết vụ án, bên cạnh đó có một số điểm bất cập như đề cập phần trên cần được sửa đổi để đảm bảo khi áp dụng mang tính có lợi nhất cho người phạm tội.

Thứ nhất, về giãn cách giữa các quy định trong các hình phạt cụ thể cần được nghiên cứu quy định lại ở mức tương đối hẹp hơn, đảm bảo khi xét xử Hội đồng xét xử áp dụng tuyên mức hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất của hành vi phạm tội, cũng như mức thiệt hại gây ra cho bị hại, cho xã hội. Mặt khác, việc tuyên án đối với các vụ án khác khác cùng tính chất, đối với những Hội đồng xét xử khác nhau có tính thống nhất cao, đảm bảo tính công bằng hơn cho người phạm tội.

Thứ hai, vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, để đảm bảo việc thực hiện chế định miễn TNHS đối với người phạm tội được thuận lợi và cụ thể, quy định tại Điều 29 BLHS cần phải thể hiện rõ theo hướng trường hợp nào việc miễn TNHS thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án; trường hợp nào chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Ngoài ra, quy định về miễn TNHS còn nằm rãi rác ở nhiều điều luật khác nhau, có cả trong BLHS và BLTTHS, như quy định về miễn TNHS khi người phạm tội tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội, miễn TNHS khi người yêu cầu rút yêu cầu khởi tố vụ án và quy định miễn TNHS tại các điều luật cụ thể về tội phạm. Để đảm bảo tính nhất quán trong quy phạm pháp luật, các quy định này phải được quy định thống nhất vào một điều luật cụ thể để làm căn cứ miễn TNHS cho người phạm tội.

Thứ ba, các tình tiết giảm nhẹ TNHS cần nghiên cứu quy định lại, theo hướng tách những quy định nhóm hành vi thể hiện bản chất độc lập thành các tình tiết khác nhau. Việc tách này sẽ góp phần đảm bảo khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ sẽ mang tính có lợi hơn cho người phạm tội.

Ba là, hoàn thiện quy định của BLTTHS. Vấn đề cần thiết nhất trong BLTTHS liên quan đến áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hiện nay liên quan đến trường hợp thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam. BLTTHS quy định cụ thể về trường hợp khi có đủ điều kiện để thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam sang biện pháp ngăn chặn khác nhẹ hơn, nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp người tiến hành tố tụng không thực hiện. Để thực hiện nghiêm quy định này, trong BLTTHS phải quy định rõ về trường hợp khi người bị buộc tội có đủ điều kiện để không cần áp dụng biện pháp tạm giam thì Tòa án phải thay đổi sang biện pháp khác phù hợp hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn.

Nhận thức trong áp dụng các trường hợp cụ thể

Một là, có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể về các quy định mang tính có lợi cho người bị buộc tội. Để thống nhất trong áp dụng các quy định có lợi cho người bị buộc tội, nhất là các quy định còn chung chung, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất từng trường hợp. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn các nội dung còn bất cập để thống nhất áp dụng; đặc biệt chú trọng đến những vấn đề thông qua công tác kiểm tra, giám đốc xác định việc áp dụng chưa phù hợp hoặc không áp dụng là thiếu để tránh sự nhận thức khác nhau.

Hai là, nâng cao trình độ, kỹ năng của Thẩm phán. Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật xem có phù hợp hay không, các tình tiết pháp luật quy định còn chung chung, những tình tiết chưa được quy định trong luật để áp dụng hoặc không áp dụng đối với người phạm tội khi xét xử vụ án đòi hỏi từng người tiến hành tố tụng phải có sự nhận thức, phân tích mang tính logic, có kỹ năng và sự quyết đoán trong áp dụng. Để làm được việc này, không gì khác là những người tiến hành tố tụng phải tự nghiên cứu, học hỏi, trao dồi trình độ, kỹ năng của bản thân; bên cạnh đó trao đổi, thảo luận cùng đồng nghiệp từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Việc học tập, nghiên cứu có thể thông qua tiếp xúc nhiều, đọc nhiều trong quá trình làm việc, hoặc tham gia học các lớp đào tạo ở cấp cao hơn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân.

Ba là, đảm bảo ưu tiên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội khi giải quyết. Đây là vấn đề còn rất nhiều quan điểm khác nhau, nhất là việc xác định nội dung có lợi cho người phạm tội trong quá trình giải quyết. Do luật chưa quy định cụ thể về nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, từ đó quá trình áp dụng nguyên tắc có lợi cho họ còn nhiều điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định có lợi đối với người bị buộc tội nhìn tổng thể không mang lại thiệt hại cho các chủ thể tham gia tố tụng và cũng cần khuyến kích áp dụng. Nên khi giải quyết các vụ án nếu chứng chứng minh “50/50” có lợi và bất lợi cho người bị buộc tội, cần được xem xét áp dụng theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Tóm lại, áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Chỉ khi quy định của pháp luật có liên quan đảm bảo cụ thể, rõ ràng về việc áp dụng quy định này, thì quá trình xem xét áp dụng mới đảm bảo phù hợp và thể hiện được tính có lợi, cũng như đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy BLHS và BLTTHS đã điều chỉnh các nội dung có lợi cho người bị buộc tội, nhưng việc điều chỉnh chỉ ở các khía cạnh riêng lẽ, chưa có một nguyên tắc cụ thể, nên việc áp dụng dẫn đến có sự bất cập và có nhiều vướng mắc. Để quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội được toàn diện thì vấn đề đặt ra là cần quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người bị buộc tội; bên cạnh đó cũng cần có các chế định liên quan để khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan, người tiến hành tố tụng có sự nhận thức và áp dụng thống nhất.

Thạc sĩ NGUYỄN VĂN LAM

Tòa án Quân sự Quân khu 9

Nguồn: Luật sư Việt Nam

13439

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn