22/12/2018 14:39

Vướng mắc khi bị hại kháng cáo đối với bản án sơ thẩm

Vướng mắc khi bị hại kháng cáo đối với bản án sơ thẩm

Kháng cáo là quyền quan trọng của người tham gia tố tụng. Quyền kháng cáo được pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Bản án, Quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Do đó có thể nói kháng cáo là cơ sở pháp lý làm phát sinh thủ tục, thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm.

Khoản 1 Điều 62 BLTTHS năm 2015 đã quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

Quy định trên đã thay thế cụm từ “người bị hại” trong Điều 51 BLTTHS 2003 bằng “bị hại”. Như vậy, bị hại không chỉ là một cá nhân nào đó trực tiếp bị thiệt hại mà có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội đã thực hiện hoặc đe dọa gây ra. Đây là một trong những điểm mới trong BLTTHS 2015.

Quyền kháng cáo của bị hại được quy định tại điểm m khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015. Quy định này được giữ nguyên từ BLTTHS năm 2003: “Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án”.

Tại khoản 1 Điều 331 BLTTHDS năm 2015 quy định về quyền kháng cáo của những người tham gia tố tụng như sau: “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.

Trong thực tế khi áp dụng vào những trường hợp cụ thể vẫn còn những vướng mắc, bất cập. Ví dụ trong vụ án như sau:

Trong một đám cưới ở thị trấn Q huyện Đ xảy ra vụ việc hai nhóm khách dự đám cưới mâu thuẫn tranh cãi, đánh nhau. Sau đó nhóm M,N,K,V đã chuẩn bị công cụ nhằm rửa hận và chờ để đánh nhóm P,Đ, L tại ngã ba trung tâm thị trấn. Tại đây, khi nhóm P,Đ,L đi qua đã bị nhóm M,N, V, K xông vào đánh. K dùng mã tấu chém vào đầu, ngực L khiến L bị chấn thương não, tổn thương phổi, tổng tỷ lệ thương tích 70%. M,N đuổi đánh P và Đ, hai bên xông vào đánh nhau nhưng do có lực lượng chức năng can thiệp kịp thời nên không xảy ra thương tích.

K bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội “Giết người”; N, M, V bị kết án tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với K và xử V về tội “Cố ý gây thương tích” vì V cũng xông vào đánh L.

Việc kháng cáo này của người bị hại có hai quan điểm như sau:

Quan điểm 1: Người bị hại không có quyền kháng cáo đối với các bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” vì tội “Gây rối trật tự công cộng” không có người bị hại nên nếu bị cáo không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị thì phần quyết định đối với với các bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” đương nhiên có hiệu lực thi hành.

Quan điểm 2: Khác với chủ thể khác, các chủ thể tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS năm 2015 được quy định chung chung là “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm” điều này có thể hiểu bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, do đó người bị hại có thể kháng cáo cả phần tội danh của các bị cáo bị kết án tội “Gây rối trật tự công cộng” để yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử các bị cáo này về tội “Giết người” hoặc “Cố ý gây thương tích”.

Đối với vướng mắc trên, quan điểm cá nhân đồng tình với quan điểm thứ 2, bởi lẽ:

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 51 BLTTHS 2003 quy định người bị hại có quyền: “e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.”

Tuy nhiên, về chủ thể có quyền kháng cáo tại đoạn thứ nhất Điều 231 BLTTHS năm 2015 lại quy định: “Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.”.

Với quy định tại đoạn thứ nhất Điều 231 BLTTHS 2015, phạm vi kháng cáo của người bị hại lại mở rộng hơn so với quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 51 BLHS 2003.

Có thể thấy, các quy định nêu trên về quyền kháng cáo của “người bị hại” có sự thiếu thống nhất và cũng là một trong những hạn chế, bất cập của BLTTHS 2003.

Vì vậy, để bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 trong đó có hướng dẫn về chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm như sau: “Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.”

Với hướng dẫn này của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm.

Thực tế, “người bị hại” không chỉ là cá nhân mà còn bao gồm cả cơ quan, tổ chức. Vì vậy, BLTTHS 2015 đã sử dụng thuật ngữ “bị hại” thay thế cho thuật ngữ “người bị hại” trong BLTTHS 2003.

Đồng thời, BLTTHS 2015 đã khắc phục hạn chế, bất cập của BLTTHS 2003 nêu trên về quyền kháng cáo của bị hại bằng cách sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 51 BLTTHS 2003 nêu trên bằng quy định tại điểm m khoản 2 Điều 62 “m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;”.

Về chủ thể có quyền kháng cáo BLTTHS 2015 giữ nguyên quy định tại đoạn thứ nhất Điều 231 BLTTHS 2003, chỉ sửa đổi về kỹ thuật (thay thuật ngữ “người bị hại” bằng thuật ngữ “bị hại”), cụ thể khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 quy định: “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.

Như vậy, phạm vi kháng cáo của bị hại quy định tại điểm m khoản 2 Điều 62 và khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 là thống nhất: Bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

3139

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn