06/04/2022 14:15

Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “Không có giấy phép lái xe theo quy định” tại điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015

Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “Không có giấy phép lái xe theo quy định” tại điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015

Theo quy định của pháp luật thì người điều khiển xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang sử dụng, trừ các loại xe không bắt buộc phải có giấy phép lái xe nhưng phải tự trang bị kiến thức tham gia giao thông an toàn; khi di chuyển trên đường phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đường bộ cùng một số giấy tờ cần thiết. Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện.

1. Quy định của pháp luật về giấy phép lái xe

Pháp luật không quy định cụ thể về khái niệm “Giấy phép lái xe”. Tuy nhiên, có thể hiểu: Giấy phép lái xe là một loại giấy tờ, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể, đạt một độ tuổi theo luật định cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông khi người đó đã vượt qua kì thi sát hạch về lái xe mà khi có chứng chỉ này người đó có thể sử dụng một phương tiện phù hợp với chứng chỉ để vận hành, lưu thông và tham gia giao thông đường bộ.

Tùy theo phương tiện mà người muốn xin cấp giấy phép lái xe muốn sử dụng để tham gia giao thông thì tương ứng với nó là một loại giấy phép lái xe với các hạng riêng. Tại điều 59 Luật giao thông đường bộ Việt Nam ban hành năm 2008 thì: căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm 12 hạng được quy định từ hạng A đến hạng F. Hiện nay, ở nước ta có 03 Bộ có thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe đó là: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe. Nhìn chung các quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bồi dưỡng kiến thức pháp luật của các Bộ đều cơ bản là có sự thống nhất, đồng thời các Bộ cũng đều sử dụng quy chuẩn phân loại giấy phép lái xe theo các hạng từ A đến F. Cụ thể: Bộ giao thông vận tải ban hành Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 07 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Bộ Công an ban hành Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 170/2021/TT-BQP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe quân sự; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng trong Bộ Quốc phòng.

Từ những quy định của pháp luật cho thấy, tuỳ từng loại phương tiện khi tham gia giao thông mà bắt buộc phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện điều khiển. Việc không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông sẽ gây hậu quả bất lợi về cả lĩnh vực hành chính lẫn hình sự. Cụ thể:

Về hành chính: Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Không có giấy phép lái xe (đối với người điều khiển xe ô tô): Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm b khoản 8 Điều 21). Ngoài ra bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết đinh xử phạt.

Về hình sự: Trong cấu thành của Điều 260 Bộ luật hình sự (sau đây viết tắt là BLHS) quy định người phạm tội không có giấy phép lái xe sẽ bị xử lý  theo quy định tại điểm a khoản 2 của Điều luật này nếu gây hậu quả được liệt kê ở khoản 1. Như vậy, nhà làm luật đã xác định việc không có giấy phép lái xe là một tình tiết có tính chất nguy hiểm đối với hành vi phạm tội này. Quy định như vậy là hợp lý và rõ ràng để bảo đảm mọi người khi tham gia giao thông buộc phải có giấy phép lái xe và người tham gia giao thông phải hiểu rõ quy tắc giao thông khi điều khiển các phương tiện giao thông, đồng thời khi xảy ra các hành vi phạm tội thì họ sẽ chỉ bị xử lý ở khung hình phạt thấp hơn so với việc họ không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật.

2. Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Việc  quy định về giấy phép lái xe và không có giấy phép lái xe tưởng chừng đơn giản nhưng khi vận dụng vào thực tiễn lại phát sinh vấn đề mà hiện nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và vẫn còn tranh cãi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, bởi không có hướng dẫn cụ thể là giấy phép lái xe của Bộ này cấp có thể sử dụng điều khiển một hoặc một số loại xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ do Bộ khác cấp hay không? Do đó, trong quá trình xử lý một số vụ án hình sự liên quan đến giấy phép lái xe còn một số vướng mắc bất cập, cụ thể qua hai vụ án sau:

Vụ án thứ nhất được tóm tắt như sau: khoảng 17 giờ ngày 02/5/2021, Trần Đức C (Có giấy phép lái xe hạng B2 do Bộ Giao thông vận tải cấp) điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Toyota Inova 2.0G mang Biển kiểm sát quân sự (Biển số đỏ) lưu thông theo hướng từ  tỉnh lộ BL đi ST. Trong quá trình điều khiển xe, Trần Đức C có mở cửa sổ cho thông thoáng nhưng lại làm gió thổi làm bay sấp tiền để phía trước vô lăng xe, Trần Đức C thấy vậy gập người xuống để nhặt sấp tiền, do không làm chủ được tay lái, lấn sang làn đường bên trái đã va chạm với xe mô tô do anh Võ Xuân T điều khiển đi ngược chiều. Hậu quả làm anh T tử vong tại chỗ, Trần Đức C bị thương nhẹ, hai xe bị hư hỏng nặng.

Ngày 18/7/2021, Viện kiểm sát quân sự Khu vực B (cấp sơ thẩm) đã ban hành cáo trạng truy tố Trần Đức C về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ ” theo quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS.

Ngày 25/9/2021, Toà án quân sự Khu vực B (cấp sơ thẩm) đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Toà án đã khẳng định cáo trạng truy tố đối với  bị cáo C của VKS quân sự Khu vực B là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong học tập công tác được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và được gia đình người bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự, Toà án đã xử phạt Trần Đức C 01 năm tù cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm.

Khi vụ án xét xử xong, bản án sơ thẩm của Toà án quân sự Khu vực B bị VKS quân sự Quân khu B kháng nghị theo trình tự phúc thẩm với lý do: Trần Đức C điều khiển xe quân sự khi bản thân không có nhiệm vụ lái xe và Giấy phép lái xe của Trần Đức C không phải do Bộ Quốc phòng cấp, cho nên trong trường hợp này phải truy tố và xét xử Trần Đức C theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 260 Bộ luật Hình sự  là “không có giấy phép lái xe theo quy định” mới đúng.

Toà án quân sự Quân khu B (cấp phúc thẩm) đã đưa vụ án ra xét xử, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát quân sự Quân khu B, sửa bản án hình sự sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Đức C 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm với lý do: Bị cáo tự ý điều khiển xe ô tô của đơn vị tham gia giao thông là vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 58 [1]; khoản 10 Điều 61 Luật giao thông đường bộ [2]; khoản 5 Điều 7 và khoản 2 Điều 23 Thông tư số 102/2016/TT-BQP ngày 29/6/2016 của Bộ Quốc phòng quy định về đăng ký, quản lý sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng [3]. Căn cứ vào các quy định trên, Toà án Quân sự  Quân khu B khẳng định, mặc dù bị cáo Trần Đức C có giấy phép lái xe dân sự hạng B2 thì cũng không được điều khiển xe quân sự. Do đó, hành vi điều khiển xe quân sự của bị cáo là thuộc trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định (giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng cấp) tự ý điều khiển xe ô tô quân sự gây tai nạn làm chết 01 người nên đã vi phạm vào điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Vụ án thứ hai được tóm tắt như sau: Khoảng 19 giờ 10 phút ngày 09/8/2021 sau khi Nguyễn Quang V (Có giấy phép lái xe quân sự hạng B2 do Bộ Quốc phòng cấp) điều khiển xe ôtô Innova 2.0G biển kiểm soát dân sự (biển số trắng) chở 02 đồng chí trong đơn vị đi cách ly tập trung, trên đường về, V phát hiện ông La Minh N đang nằm ở phần đường của xe lưu thông, đầu hướng ra lề trái, chân hướng vào lề phải, do khoảng cách quá gần đạp phanh không kịp nên V đánh tay lái xe tránh sang trái nhưng phía dưới của đèn trước bên phải xe ô tô đã chạm vào phần thân trên và đầu ông N. Hậu quả: ông La Minh N tử vong tại chỗ; xe ô tô bị hư hỏng.

Viện kiểm sát quân sự Khu vực B truy tố bị cáo Nguyễn Quang V về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Toà án quân sự Khu vực B xét xử đã khẳng định việc truy tố của Viện kiểm sát quân sự khu vực 91 đối với bị cáo Nguyễn Quang V là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Toà án nhận định, mặc dù hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là nghiêm trọng nhưng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng. Do đó, căn cứ vào Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, Toà án xét thấy có đủ điều kiện để áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo, giao bị cáo cho đơn vị nơi bị cáo công tác giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách để sửa chữa lỗi lầm mà không cần phải bắt đi chấp hành hình phạt tù cũng đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội. Toà án đã tuyên phạt Nguyễn Quang Vinh 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Bản án trên không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành.

Như vậy, qua hai vụ án có thể thấy, cả hai bị cáo đều điều khiển cùng một loại xe ô tô (Innova 2.0G), cùng công tác trong đơn vị quân đội, cùng có giấy phép lái xe hạng B2 và cùng điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn làm chết 01 người. Tuy nhiên, sự khác nhau  là: xe ô tô mà bị cáo C điều khiển mang biển số quân sự, còn xe ô tô mà bị cáo V điều khiển mang biển số dân sự; bằng lái xe hạng B2 của bị cáo Trần Đức C là do Bộ Giao thông vận tải cấp còn bằng lái xe của Nguyễn Quang V là do Bộ Quốc phòng cấp. Vấn đề đặt ra ở đây là: tại sao V có giấy phép lái xe B2 do Bộ Quốc phòng cấp điều khiển xe ô tô mang biển số dân sự gây tai nạn làm chết 01 người nhưng khi xét xử Toà án cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận V có bằng lái xe theo quy định và xử phạt V theo khoản 1 Điều 260 BLHS, còn Trần Đức C cũng có giấy phép lái B2 nhưng của Bộ Giao thông vận tải cấp điều khiển cùng một chủng loại xe chỉ khác mỗi biển số quân sự gây ra tai nạn chết 01 người lại bị Toà án xử phạt theo điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS? Điều đó có phải bằng lái xe do Bộ Quốc phòng cấp có giá trị pháp lý cao hơn bằng lái xe do Bộ Giao thông vận tải cấp hay không?

Giải quyết vụ án trên có quan điểm cho cho rằng: Toà án quân sự Quân khu B xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát quân sự Quân khu B là đúng. Quan điểm trên đưa ra lập luận như sau: Trần Đức C là người chỉ huy, không có nhiệm vụ lái xe nhưng đã tự ý lấy xe của đơn vị điều khiển khi không được giao nhiệm vụ là đã vi phạm quy định về sửu dụng xe quân sự, mặt khác tham khảo thông tư Tham khảo Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày ngày 28 tháng 8 năm 2013 - Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông: Theo khoản 8 Điều 1 Thông tư quy định: không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) hoặc chứng chỉ chuyên môn quy định tại điểm a khoản 2 các điều 202, 208, 212; khoản 1 các điều 205, 211, 215, 219 Bộ luật Hình sự là một trong những trường hợp sau đây: “a) Chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đang chỉ huy, điều khiển mà theo quy định của pháp luật, khi chỉ huy, điều khiển loại phương tiện đó phải có giấy phép, bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp”. Như vậy, Trần Đức C là một quân nhân có chức vụ trưởng một đơn vị thì bản thân phải biết trong quân đội có cả hệ thống nhà trường chuyên đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải về việc chuyển đổi bằng lái để thực hiện nhiệm vụ trong quân đội nên có rất nhiều văn bản được xem là những quy định riêng buộc tất cả các đơn vị và cá nhân phải chấp hành. Trong vụ án trên, Trần Đức C đã vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng khi không được giao nhiệm vụ lái xe mà tự ý lái xe gây ra tai nạn, bản thân C lại không có bằng lái xe B2 do Bộ Quốc phòng cấp trong khi điều khiển xe chuyên biệt của Bộ Quốc phòng (xe mang biển số đỏ) nên hành điều khiển xe mà không có bằng lái B2 do Bộ Quốc phòng cấp gây tai nạn được coi là hành vi không có bằng lái xe theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS.

Còn trong trường hợp vụ án Nguyễn Quang V thì quan điểm này cho rằng, Bộ Giao thông vận tải không có những quy định riêng biệt cấm người có Bằng lái xe do Bộ Quốc phòng cấp không được điều khiển xe mang biển số dân sự và thực tế quân nhân vẫn có thể sở hữu xe riêng nên việc sử dụng bằng lái xe do Bộ Quốc phòng cấp là phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Do đó, hành vi gây tai nạn của Nguyễn Quang Vinh khi có bằng lái xe quân sự không được xem làm vi phạm điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả: Đối với vụ án Nguyễn Quang V: không đồng tình với lập luận và cách phân tích của quan điểm một, bởi lẽ, theo quy định tại điểm c  khoản 4 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về Giấy phép lái xe hạng B2 như sau: 4. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:c) Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;”Như vậy, bằng lái xe hạng B2 được phép điều khiển xe ô tô chở người dưới 09 chỗ ngồi kể cả chỗ ngồi của người lái xe, ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn, máy kéo có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn. Chiếc xe Innova 2.0G mà bị cáo V điều khiển là loại xe 7 chỗ ngồi, bị cáo có bằng lái xe B2 theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì bị cáo được phép điều khiển xe khi lưu thông. Nếu coi việc bị cáo có bằng lái xe B 2 do Bộ giao thông vận tải cấp là không có giấy phép lái xe để phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 260 BLHS là trái với quy định của Luật giao thông đường bộ. Mặt khác,  Bộ Quốc phòng cũng không có bất cứ quy định cụ thể nào khẳng định là bằng lái xe do Bộ Giao thông vận tải cấp không được lái xe mang biển số quân sự, việc các quy định riêng của Bộ Quốc phòng ban hành chủ yếu điều chỉnh quân nhân phải chấp hành kỷ luật, nếu như Trần Đức C có vi phạm thì áp dụng những quy định đó để xử lý kỷ luật chứ không áp dụng những quy định riêng đó để cho rằng bị cáo điều khiển xe khi không có nhiệm vụ lái xe là không có bằng lái xe theo quy định được.

Đối với vụ án Nguyễn Quang Vinh, bằng lái xe B2 của V mặc dù do quân đội cấp nhưng đúng quy định của pháp luật, nên Vinh được điều khiển loại xe phù hợp với bằng lái mà mình được cấp. Do đó, việc bị cáo gây ra tai nạn Toà án quân sự Khu vực B chỉ xét xử bị cáo theo khoản 1 mà không xét xử bị cáo theo điểm a Điều 260 BLHS là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Từ hai vụ án trên cho thấy còn có những nhận thức chưa thống nhất về cách hiểu cũng như vận dụng các quy định của pháp luật trong việc áp dụng tình tiết quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS. Thiết nghĩ trong thời gian tới, các cơ quan liên ngành cần ban hành văn bản thống nhất trong đó quy định cụ thể đối với trường hợp sử dụng giấy phép lái xe để lái những loại xe thông dụng không phải là các loại xe chuyên dụng của Bộ Quốc phòng khi tham gia giao thông thì chỉ cần có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe mình điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp đúng theo quy định của pháp luật thì phải được coi là có giấy phép lái xe.

NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 9)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

1430

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]