13/07/2021 13:53

Vướng mắc, bất cập khi áp dụng Điều 397 BLHS - Tội làm nhục đồng đội

Vướng mắc, bất cập khi áp dụng Điều 397 BLHS - Tội làm nhục đồng đội

Điều 397 BLHS năm 2015 quy định về tội làm nhục đồng đội, đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị về vấn đề này.

1. Quy định của Luật

BLHS 2015 đã gộp một số tội danh như "Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên", "Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới", "Tội làm nhục, hành hung đồng đội" trong BLHS năm 1999 thành hai tội là: "Tội làm nhục đồng đội" và "Tội hành hung đồng đội", đồng thời quy định tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Là chỉ huy hoặc sỹ quan; đối với chỉ huy hoặc cấp trên; vì lý do công vụ của nạn nhân.... đây là điểm mới, tiến bộ của BLHS 2015 (BLHS) so với BLHS 1999. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến các quy định tại Điều 397 BLHS.

Luật quy định khách thể của tội phạm này là danh dự, nhân phẩm của đồng đội và mối đoàn kết giữa các quân nhân, những người có nghĩa vụ, trách nhiệm như quân nhân với nhau. Đối tượng tác động của loại tội phạm này là "Đồng đội". Theo Điều lệnh quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII "Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân" của BLHS 1999 (TTLT 01/2003) quy định: Các quân nhân không phân biệt cấp bậc, chức vụ, cùng biên chế hay không cùng biên chế trong cùng một đơn vị đều được coi là "đồng đội".

Hành vi làm nhục đồng đội là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của đồng đội và là hành động cố ý hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc làm mấy uy tín của đồng đội đối với mọi người xung quanh. Hành vi này phải diễn ra trong điều kiện giữa họ có "mối quan hệ công tác". Theo TTLT 01/2003 thì "Quan hệ công tác" là quan hệ giữa các quân nhân với nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Quan hệ ở đây là quan hệ chỉ huy phục tùng (quan hệ quản lý hành chính quân sự) giữa các quân nhân trong cùng một đơn vị hoặc quan hệ phối hợp giữa quân nhân các đơn vị khác nhau để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của đồng đội.

Chủ thể của tội phạm này là những người được quy định tại Điều 392 BLHS, cụ thể: Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng; Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện; Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; Công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. người phạm tội nhận thức rõ hành vi làm nhục đồng đội và vi phạm Điều lệnh quản lý bộ đội, pháp luật Nhà nước, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của đồng đội. Họ thấy trước hậu quả của hành vi đó là danh dự, nhân phẩm của đồng đội bị hạ thấp, uy tín của đồng đội bị mất và mong muốn đạt được hậu quả đó.

2. Vướng mắc, bất cập

Trên cơ sở nghiên cứu quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật và vận dụng trong quản lý bộ đội của các cơ quan, đơn vị Quân đội, tác giả nhận thấy một số bất cập trong quy định của Luật, cụ thể:

Một là, có sự quy định không đồng nhất giữa kết cấu tên điều luật và phần quy định hành vi. Thuật ngữ "Đồng đội" và "Quan hệ công tác", đã được đề cập ở nội dung trên, tuy nhiên, Điều 397 BLHS với kết cấu tên điều luật là "Tội làm nhục đồng đội" nhưng phần quy định hành vi chỉ đề cập "... trong quan hệ công tác...", với quy định như vậy sẽ làm hẹp đi chủ thể của loại tội phạm này, bởi trên thực tế có những chủ thể không có mối quan hệ công tác nhưng có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, ví dụ: A là quân nhân của đơn vị X, được đơn vị cử đi công tác, A gặp B là quân nhân của đơn vị Y, do mâu thuẫn cá nhân nên A đã có hành vi làm nhục B, bởi vì giữa A và B không tồn tại mối quan hệ công tác nên hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 397 BLHS, vậy có thể áp dụng Điều 155 BLHS được hay không?

Hai là, vướng mắc trong việc định khung hình phạt. Khoản 1 Điều 397 BLHS quy định "... trong quan hệ công tác..." đã hàm chứa những chủ thể, nội dung quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 397 BLHS. Như vậy, khi hành vi làm nhục đồng đội thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì đồng thời thỏa mãn luôn tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 của điều luật này, dẫn đến sự không rõ ràng trong quy định của luật.

Ba là, việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm chưa cân xứng. Điểm tiến bộ của BLHS 2015 so với BLHS 1999 đó là: BLHS năm 2015 quy định rất nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, góp phần tạo sức răn đe rất lớn đối với loại hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi quy định tại điểm g, h khoản 2 Điều 397 BLHS cùng chung với các tình tiết khác là không hợp lý. Bởi lẽ, hành vi "Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát" có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn so với những tình tiết khác. Từ đó, chưa tạo được sự công bằng, chưa phân hóa được tội phạm khi xử lý hình sự.

Bốn là, cách quy định chưa thống nhất của điều luật trong BLHS

Thứ nhất, về tình tiết định khung tăng nặng và hình phạt tại Điều 155 BLHS quy định tội làm nhục người khác và Điều 397 BLHS quy định tội làm nhục đồng đội quy định cùng một loại hành vi, tác động đến cùng chung một khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ nhưng khoản 1 Điều 397 BLHS quy định hình phạt nặng hơn so với khoản 1 Điều 155 BLHS, điều này có thể hợp lý, bởi quy định này tạo tính nghiêm minh cao hơn đối với những hành vi vi phạm xảy ra trong môi trường Quân đội; tuy nhiên, tại Điều 397 BLHS lại đặt tình tiết "Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát" cùng với các tình tiết khác trong cùng một khoản, mức hình phạt là từ 2 năm đến 5 năm tù. Trong khi đó, Điều 155 BLHS lại tách làm 2 khoản (khoản 2 và khoản 3) với mức hình phạt khác nhau. Như vậy, Điều 155 và Điều 397 BLHS có sự đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi khác nhau.

Thứ hai, hầu hết các điều luật trong BLHS, khi quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể đều sử dụng từ "từ", nhưng ở đây, các nhà làm luật lại chỉ quy định "Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tn thương cơ thể 61% trở lêndẫn đến sự không thống nhất trong quy định của BLHS.

3. Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên trong thực tiễn, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn cụ thể việc thi hành Điều 397 BLHS nói riêng và Chương XXV BLHS nói chung, để áp dụng thống nhất pháp luật.

Hai là, kiến nghị sửa đổi Điều 397 BLHS theo hướng mở rộng chủ thể áp dụng điều luật, bỏ cụm từ "trong quan hệ công tác mà" ra khỏi khoản 1, có nghĩa là: Người nào, dù có quan hệ công tác hay không có quan hệ công tác, nếu là đồng đội mà có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục đồng đội và "Người nào" thỏa mãn dấu hiệu là chỉ huy hoặc sỹ quan, hành vi đó tác động đến chỉ huy hoặc cấp trên hoặc hành vi đó vì lý do công vụ của nạn nhân thì đủ yếu tố định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 397 BLHS, từ đó tạo sự tách bạch, rõ ràng trong điều luật. Bên cạnh đó, cần tách điểm g, h khoản 2 thành một khoản riêng; bổ sung từ "mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 155 của Bộ luật này" tiếp sau cụm từ "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự đồng độitại khoản 1 và từ "từ" trước cụm từ "61% trở lên"tạo sự thống nhất và phù hợp hơn đối với các quy định khác của BLHS, cụ thể:

"Điều 397. Tội làm nhục đồng đội

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 155 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên;

c) Vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Trong khu vực có chiến sự;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Đối với 02 người trở lên;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tn thương cơ thể từ 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát."

VÕ MINH TUẤN (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1666

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]