25/04/2024 09:56

Vụ án chủ tịch Tân Hiệp Phát: Từ ký hợp đồng giả cách đến chiếm đoạt tài sản

Vụ án chủ tịch Tân Hiệp Phát: Từ ký hợp đồng giả cách đến chiếm đoạt tài sản

Vụ việc chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát - ông Trần Quý Thanh chiếm đoạt tài sản bằng cách đã yêu cầu người vay ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng có công chứng rồi. Cho tôi hỏi hợp đồng giả cách là gì? Rủi ro khi ký hợp đồng giả cách đảm bảo khoản vay như thế nào? (Thanh Toàn - Đồng Nai)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Vụ án chủ tịch Tân Hiệp Phát: Từ hợp đồng giả cách đến chiếm đoạt tài sản

Vừa qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái đã kết thúc xét hỏi, bước sang phần tranh luận.

Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng, có đủ cơ sở xác định từ 2019 đến 2020 ông Thanh cùng hai con gái thông qua môi giới đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Các bị cáo yêu cầu người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cổ phần của dự án và cam kết bán lại để che giấu bản chất của việc cho vay. Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận bán lại tài sản ban đầu, thì các bị cáo đưa ra nhiều lý do để không trả lại.

Trình bày trước HĐXX, các bị hại cho biết, do tin tưởng vào uy tín, năng lực tài chính của cá nhân và doanh nghiệp bị cáo Trần Quí Thanh nên đã đồng ý vay tiền với lãi suất 3%/tháng, chịu phí môi giới 2% tổng số tiền vay và phải ký chuyển nhượng bất động sản cho phía ông Thanh.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Thanh 9-10 năm tù, Trần Uyên Phương 5-6 năm, Trần Ngọc Bích 4-5 năm tù cùng về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

2. Hợp đồng giả cách là gì? 

Hợp đồng giả cách được hiểu là hợp đồng dân sự mà các bên thực hiện nhằm mục đích che giấu đi một hợp đồng khác và thông qua hợp đồng đó để trục lợi, chiếm đoạt tài sản. Vụ việc của Tân Hiệp Phát là một ví dụ điển hình.

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể cho hợp đồng giả cách. Tuy nhiên ta có thể căn cứ vào khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo theo Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 là khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự đó vô hiệu do giả tạo.

Tuy không được định nghĩa cụ thể trong quy định pháp luật, nhưng hợp đồng giả cách vẫn được điều chỉnh bởi những quy định điều chỉnh giao dịch dân sự nói chung. 

Theo Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo như sau:

- Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan.

- Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Bên cạnh đó, theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định.

Như vậy, việc ký hợp đồng giả cách sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên ký kết, và không được pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi của các bên khi tham gia loại hợp đồng này. Vì thế hợp đồng giả cách sẽ bị vô hiệu theo quy định pháp luật

Ví dụ, bên A cho bên B vay tiền nhưng khi tiến hành giao dịch bên A buộc bên B phải ký hợp đồng mua bán nhà hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực sự mục đích là giao dịch vay tiền, chứ không phải giao dịch mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp này, nếu có tranh chấp và một trong các bên khởi kiện ra tòa án và có bằng chứng chứng minh giao dịch vay mượn thì tòa sẽ công nhận giao dịch vay tiền và tuyên vô hiệu giao dịch mua bán nhà đất.

3. Rủi ro khi ký hợp đồng giả cách đảm bảo khoản vay 

Thông thường việc các bên xác lập giao dịch dân sự "giả cách" hoặc là do thiếu hiểu biết hoặc là do một trong các bên tham gia giao dịch có ý định từ trước hoặc lợi dụng tình trạng cần tiền gấp của người vay, bên cho vay thường yêu cầu bảo đảm khoản vay bằng việc giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở có chữ kí và công chứng với giá trị lớn hơn so với tài sản cho vay. Một khi bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ trả tiền lãi thì người đi vay có thể bị mất tài sản của mình.

Đối tượng cho vay thường có sự chuẩn bị, sắp đặt từ trước nên ngay cả việc các bên ký "hợp đồng giả cách" thì bên cho vay cũng cố gắng che đậy các bằng chứng liên quan đến việc vay tiền mà gần như thể hiện bằng giao dịch mua bán nhà đất.

Nếu có tranh chấp mà bên đi vay không chứng minh được giao dịch vay, mượn thì trong trường hợp này tòa án sẽ công nhận giao dịch mua bán nhà đất. Cuối cùng thì người vay thiệt hại, ngoài ra còn phát sinh thêm nhiều chi phí, tranh chấp, kiện tụng, vừa tốn thời gian và công sức, vừa thiệt hại về tài chính.

Do đó, khi tham gia vào một giao dịch dân sự, các bên cần tuân thủ quy định của pháp luật hoặc tối thiểu giao dịch cần phải lập thành văn bản, đọc kỹ nội dung và chỉ ký kết khi giao dịch đó phản ánh đúng nội dung, bản chất của giao dịch để đảm bảo quyền lợi của mình.

Trường hợp đã lỡ ký hợp đồng giả cách thì người đi vay cần phải thu thập, lưu giữ những thông tin đến việc vay mượn như các bằng chứng trả lãi, thông tin trao đổi với nhau để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có tranh chấp.

Trân trọng!

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1228

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]