04/03/2020 09:06

Vợ vay tiền sửa nhà chung: ly hôn, chồng có phải trả?

Vợ vay tiền sửa nhà chung: ly hôn, chồng có phải trả?

Khi ly hôn ngoài việc tranh chấp quyền nuôi con hay chia tài sản chung thì việc chia nợ chung cũng không phải là vấn đề xa lạ. Việc xác định nợ nào là nợ chung nợ nào là nợ riêng cũng không đơn giản. Điển hình như việc xác định tiền nợ do vợ/chồng vay để sửa nhà thì là nợ chung hay nợ riêng?

Cụ thể trong Bản án 26/2019/HNGĐ-PT ngày 09/05/2019 về tranh chấp chia tài sản sau ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, theo đó:

Chị Hoàng Thị P và anh Chung Văn T đã được toà án giải quyết ly hôn và chia tài sản chung năm 2017. Tuy nhiên về phần công nợ chưa được giải quyết do chị P không cung cấp được các tài liệu chứng cứ chứng minh. Nay chị thu thập được các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc vay nợ nên chị yêu cầu Tòa án nợ chung giữa chị và anh T, cụ thể.

Trong thời gian chưa ly hôn chị đã vay của một số người quen: vay của chị Trần Thị N 12.000.000 đồng để nuôi con và 50.000.000 đồng để sửa nhà. Vay chị Đỗ Thị X 1.000.000 đồng để nộp tiền học cho con. Vay Công đoàn Trường tiểu học xã T 14.000.000 đồng để lo việc gia đình, nộp tiền học và thuê nhà trọ cho con…

Toà án đã tuyên chỉ xác định các khoản tiền vay để nuôi con, nộp tiền học cho con, chi tiêu thiết yếu trong gia đình là nợ chung, riêng khoản tiền chị P vay để sửa nhà thì toà án xác định không phải nợ chung với lý do:

chị P vay chị N số tiền là 50.000.000 đồng, việc vay nợ anh T hoàn toàn không biết, mục đích vay là để sửa nhà như vậy đây không phải là khoản vay để cho nhu cầu thiết yếu của gia đình. Theo khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Do đó không có căn cứ để buộc anh T có nghĩa vụ liên đới với khoản nợ vay của chị N”.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về vấn đề này như sau:

 Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

"Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng

" Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3 .Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.”

Như vậy nếu xét theo điều 37 trên thì cả hai vợ chồng chỉ phải cùng có nghĩa vụ đối với khoản nợ do“vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”. Như trường hợp bản án trên, sửa nhà được xem không phải nhu cầu thiết yếu của gia đình không được xác định nợ chung để 2 vợ chồng cùng liên đới trả.

Tuy nhiên nếu xét điều 45 trên thì “Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình” mới được xem là nghĩa vụ riêng (nợ riêng) của một bên vợ chồng. Thấy rằng khoản tiền người vợ vay để sửa nhà là phục vụ nhu cầu của gia đình (cả gia đình cùng chung sống) nên không thuộc trường hợp xác định là nợ riêng để người nào vay thì người đó phải trả.

Vậy rõ ràng pháp luật chưa có sự thống nhất giữa việc xác định khi nào là nợ chung khi nào là nợ riêng của vợ chồng. Từ đó, dẫn đến việc một số bản án của toà án về xác định nợ chung, nợ riêng vợ chồng chưa thực sự thuyết phục.

Nguyễn Sáng
2920

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn