01/06/2024 17:50

Vợ có thể yêu cầu chồng tăng mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn không?

Vợ có thể yêu cầu chồng tăng mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn không?

Sau khi ly hôn, chồng tôi cấp dưỡng cho con tôi hằng tháng nhưng chi phí sinh hoạt cho con tăng cao, tôi có thể yêu cầu chồng tăng mức cấp dưỡng cho con không? (Chị Ngọc_Quảng Bình)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Vợ có thể yêu cầu chồng tăng mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn không?

Căn cứ tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Tại quy định Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn như sau:

- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo quy định trên, đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì khi cha, mẹ không sống chung với con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Đồng thời, đề xuất tại Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành tiền mức cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.

Do đó, tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn do hai bên tự thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được sẽ do Tòa án quyết định.

Theo đó, pháp luật hiện hành không quy định mức cấp dưỡng cụ thể, không có giới hạn của số tiền phải cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng tùy thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng và cả nhu cầu thiết yếu của con.

Điều này có nghĩa là, khi thu nhập của người phải cấp dưỡng tăng hoặc nhu cầu thiết yếu của con cái khi được cấp dưỡng tăng thì mức cấp dưỡng có thể được điều chỉnh tăng theo đều tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên.

Vậy nên, vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu chồng tăng mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn miễn là hai bên đồng tình thỏa thuận với điều này.

2. Làm thế nào để vợ yêu cầu chồng tăng tiền cấp dưỡng cho con sau ly hôn?

Để yêu cầu được tăng mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn vợ cần thỏa thuận với người cấp dưỡng về việc tăng tiền cấp dưỡng nuôi con. Nếu trường hợp người chồng không đồng ý tăng mức cấp dưỡng thì theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người vợ có thể nộp đơn yêu cầu Tòa an giải quyết.

Đồng thời, khi vụ việc được Tòa án thụ lý thì để được tăng tiền cấp dưỡng nuôi con thì người vợ đang nuôi dưỡng con trực tiếp phải có lý do chính đáng. Người vợ có yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng phải cung cấp cho Tòa án những chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ thì sẽ được Tòa án xem xét và chấp nhận.

Lý do chính đáng có thể là khả năng thực tế của người đang nuôi con cụ thể là người vợ đang gặp tình trạng kinh tế khó khăn không đủ điều kiện đáp ứng được chi phí tối thiểu cho sinh hoạt và học tập của con cái.

Trường hợp quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người phải cấp dưỡng không tự nguyện thi hành án đầy đủ không tăng cấp dưỡng nuôi con thì bên người vợ có thể nộp đơn khởi kiện lên cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đối với phần cấp dưỡng nuôi con trong bản án, quyết định đó.

Về hồ sơ khởi kiện về vấn đề yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng cho con thì cần chuẩn bị hồ sơ như sau:

- Đơn khởi kiện về việc tăng tiền cấp dưỡng.

- Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân (có chứng thực hoặc công chứng).

- Bản án, quyết định ly hôn.

- Chứng cứ chứng minh thu nhập của vợ, chồng.

- Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con.

- Tài liệu khác có liên quan.

Thủ tục khởi kiện: Căn cứ Điều 190, Điều 191, Điều 195, Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 53, Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP thì thủ tục khởi kiện như sau:

- Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc đòi tiền cấp dưỡng tại Tòa án có thẩm quyền

- Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn

- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và thụ lý vụ án

- Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự

- Bước 5: Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, người yêu cầu có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Lê Thị Hồng Mai
442

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]