22/06/2022 17:04

Vợ có phải trả lại sính lễ khi yêu cầu ly hôn không?

Vợ có phải trả lại sính lễ khi yêu cầu ly hôn không?

Lễ ăn hỏi là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Trong lễ này, nhà trai thường trao sính lễ cho nhà gái để thể hiện thành ý, đây được xem là một nét đẹp trong truyền thống của dân ta. Tuy nhiên, có những trường hợp dở khóc dở cười khi có mâu thuẫn trong hôn nhân thì một bên yêu cầu ly hôn, một bên đòi phải trả lại tiền, tài sản sính lễ mới đồng ý ly hôn. Vậy việc đòi lại sính lễ như vậy liệu có đúng và Tòa án sẽ giải quyết thế nào trong trường hợp này?

Việc đòi lại sính lễ có thể xem là một thực trạng tiêu cực trong xã hội. Trên thực tế, có không ít người cho rằng việc mang sính lễ tới nhà gái là một nghi thức khi làm lễ ăn hỏi. Do đó, nếu ly hôn thì không còn lý do gì để nhà trai phải mất số sính lễ đó.

Dưới đây, là một tình huống thực tế thông qua vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình số 07/2020/HNGĐ-ST ngày 18/08/2020 về ly hôn, tranh chấp đòi tài sản có nội dung “Chị S và anh L tổ chức cưới theo phong tục tập quán trên cơ sở tự nguyện, đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Q, gia đình anh L có trao sính lễ cho gia đình chị S 25 triệu đồng tiền sính lễ gồm 10 triệu đồng tiền thịt lợn và 15 triệu đồng tiền mặt. Trong quá trình sống chung vợ chồng anh chị xảy ra nhiều mâu thuẫn nên chị S yêu cầu ly hôn. Anh L cho rằng nếu chị S không trả tiền cho anh thì anh không đồng ý ly hôn.”

Tòa án nhận định như sau: việc yêu cầu đòi tiền sính lễ trong luật Hôn nhân gia đình không quy định. Việc thỏa thuận sính lễ là theo phong tục địa phương, dựa trên sự tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, phù hợp với các quy định tại các Điều 3, 4, 5, 7 Bộ luật dân sự nên được pháp luật chấp nhận, việc thỏa thuận là do hai bên tự nguyện thực hiện, nhằm mục đích tổ chức đám cưới, thực tế hôn lễ giữa chị S và anh L đã được tổ chức. Tại công văn số 53/UBND, ngày 15/8/2020 của Ủy ban nhân dân xã Q xác nhận tại địa phương không có quy định phong tục khi ly hôn thì nhà gái phải trả lại tiền sính lễ, tiền thách cưới cho nhà trai. Do vậy, việc anh L cho rằng tại địa phương có phong tục trả lại tiền sính lễ khi ly hôn là không có căn cứ. Nhận thấy, theo quy định của pháp luật việc trao tặng tiền sính lễ là thuộc dạng hợp đồng tặng cho tài sản, việc tặng cho tiền sính lễ khi kết hôn là do hai bên tự thỏa thuận về số tiền và hình thức trao, và không có điều kiện khác. Do vậy, căn cứ theo Điều 457, 458 Bộ luật dân sự thì việc tặng cho này có hiệu lực từ thời điểm chị S nhận sính lễ là tiền và hiện vật trị giá 25.000.000 đồng do anh Hoàng Văn L đưa và xác lập quyền sở hữu tài sản của riêng chị S. Do vậy, yêu cầu đòi lại tiền sính lễ của anh L là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

Trong trường hợp hai bên thống nhất được về việc đòi và trả lại sính lễ, câu chuyện về đòi sính lễ sẽ dừng lại. Tuy nhiên, bên nhà trai muốn đòi nhưng bên nhà gái không muốn trả sẽ dẫn đến tranh chấp giữa hai bên.

Tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 4. Giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán

Trường hợp giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán thì thực hiện việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia hòa giải của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.”

Tuy nhiên, tại Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định này thì tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nghĩa là tập quán về hôn nhân và gia đình đó phải là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.

Do đó, việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần được vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng thì tập quán khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại nhà trai toàn bộ đồ sính lễ và những phí tổn khác, con phải theo cha là tập quán cần vận động xóa bỏ. Vì vậy, tập quán trên sẽ không được Tòa án xem xét chấp nhận áp dụng để giải quyết trường hợp ly hôn.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật việc trao tặng tiền sính lễ là thuộc dạng hợp đồng tặng cho tài sản, việc tặng cho tài sản sính lễ khi kết hôn là do hai bên tự thỏa thuận về số tiền và hình thức trao, và không có điều kiện khác. Do vậy, căn cứ theo Điều 457, 458 Bộ luật dân sự 2015 thì việc tặng cho này có hiệu lực từ thời điểm nhà gái nhận sính lễ và xác lập quyền sở hữu của nhà gái. Vì các lẽ trên, yêu cầu đòi lại tài sản sẽ không được Tòa án chấp nhận.

Như Ý
4841

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]