23/08/2024 14:10

Vợ chồng đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới, thì có vi phạm pháp luật hôn nhân? 

Vợ chồng đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới, thì có vi phạm pháp luật hôn nhân? 

Đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới, thì có vi phạm pháp luật hôn nhân? Trường hợp kết hôn trái pháp luật thì ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?

1. Vợ chồng đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới, thì có vi phạm pháp luật hôn nhân? 

Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì đăng ký kết hôn được quy định như sau:

- Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định trên thì không có giá trị pháp lý.

- Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

Đồng thời, tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân (Khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Như vậy, tổ chức đám chỉ là “thủ tục” ra mắt bà con họ hàng lối xóm tạo cùng gia đình hai họ, người thân và bạn bè thân thiết. Tiệc cưới mang ý nghĩa là lời tri ân, lời cảm ơn từ hai vợ chồng đến những khách mời thân thiết đã dành thời gian đến chúc phúc và chia vui cùng hai họ. Do đó, quan hệ hôn nhân tính từ ngày được ghi trong giấy chứng nhận kết hôn, nên đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới, thì không vi phạm pháp luật về hôn nhân.

2. Ai có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật?

Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:

- Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Đồng thời, việc hủy kết hôn trái pháp luật còn phải chịu những hậu quả pháp lý tại Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

- Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

- Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Như vậy, người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm: người bị cưỡng ép hoặc lừa dối kết hôn; vợ/chồng của người đang có vợ/chồng mà kết hôn với người khác; cha mẹ, con, người giám hộ hoặc đại diện pháp luật của người kết hôn trái pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em; Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Các cá nhân, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật cũng có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn đó.

Nguyễn Ngọc Trầm
509

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]