Viên chức được cử đi đào tạo là khi cơ quan, đơn vị nơi viên chức làm việc thực hiện việc quyết định cử viên chức đó tham gia vào một chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn để phục vụ cho công việc. Quy định này được căn cứ theo Luật Viên chức và các văn bản liên quan của pháp luật Việt Nam, cụ thể tại Điều 3 Nghị định 101/2017/NĐ-CP có đề cập:
- Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP có quy định viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài thì phải đáp ứng yêu cầu của chương trình hợp tác và các yêu cầu sau:
- Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có);
- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
- Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Và khi viên chức, được cử đi đào tạo tại nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng mà tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp và đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì phải đền bù chi phí đào tạo.
Theo quy định tại Điều 35 Luật Viên chức 2010 có đề cập đến trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng thì viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 101/2017/NĐ-CP cũng có nêu viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị.
Chi tiết hơn tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP cũng quy định viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên hưởng sinh hoạt phí do Nhà nước đài thọ hoặc hưởng lương, hưởng sinh hoạt phí do nước ngoài, tổ chức quốc tế đài thọ thì trong thời gian ở nước ngoài được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Hiện tại, đối với viên chức tùy lĩnh vực, đặc thù ngành nghề mà sẽ có những phụ cấp riêng như: Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp đặc biệt; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm;... Mỗi loại phụ cấp sẽ có những văn bản riêng quy định, do đó còn cần phải xác định thêm quy định tại từng văn bản mới có cơ sở khẳng định.