02/03/2020 13:48

Việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định hình sự của Tòa án

Việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định hình sự của Tòa án

Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự quy định cụ thể về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án, tuy nhiên trong thực tiễn liên quan quy định này vẫn còn tồn tại bất cập hạn chế, cần có hướng dẫn.

Bản án hình sự và quyết định của Tòa án là những văn bản rất quan trọng, trong đó Bản án hình sự sơ thẩm là văn bản tố tụng đặc biệt của Toà án nhân danh nước CHXHCN Việt Nam kết thúc hoạt động xét xử xác định bị cáo có tội hay không có tội quy định trong BLHS, xác định trách nhiệm pháp lý của bị cáo với Nhà nước cụ thể hoá bằng hình phạt quy định trong BLHS, xác định trách nhiệm của bị cáo với bị hại (nếu có) và các thành phần khác cụ thể hoá bằng mức bồi thường thiệt hại quy định trong BLDS.

Từ tính chất quan trọng của bản án và quyết định của Tòa án nêu trên nên việc giải thích, sữa chữa bản và quyết định của Tòa án cần tuân thủ các quy định của BLTTHS. Mặc dù BLTTHS quy định cụ thể về giải thích, sữa chữa bản án, quyết định của Tòa án, tuy nhiên trong thực tiễn liên quan quy định này vẫn còn tồn tại bất cập hạn chế, cần có hướng dẫn.

1. Quy định của BLTTHS về giải thích, sữa chữa bản án, quyết định của Tòa án

Như vậy, bản án hình sự là văn bản vô cùng quan trọng vì vậy đòi hỏi tính cẩn thận, tỷ mỉ của HĐXX các sai sót trong bản án khi giải thích, sữa chữa cần tuân thủ chặt chẽ theo quy định của BLTTHS.

Điều 365 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 Giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án:

“1. Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện”.

+ Đối tượng yêu cầu bao gồm: Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án, như vậy, gần như tất cả các đối tượng có liên quan đến Bản án đều có quyền yêu cầu Tòa án giải thích, sữa chữa bản án.

+ Chủ thể có thẩm quyền giải thích, sữa chữa bản án, quyết định bao gồm Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định đối với trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được việc giải thích, sữa chữa thì thẩm quyền thuộc về Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định.

2. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất: Mặc dù Điều 365 BLTTHS đã quy định rõ về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định nhưng điều luật không quy định rõ trường hợp nào thì giải thích bản án, quyết định? Trường hợp nào sửa chữa bản án, quyết định?

Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Giải thích là việc phân tích, diễn giải một vấn đề đưa ra sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu”, như vậy, trong Bản án hình sự, quyết định của Tòa án có những nội dung được nêu ra nhưng chưa rõ thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định sẽ giải thích tuy nhiên việc giải thich này nhằm mục đích không thay đổi bản chất vụ án và không gây bất lợi cho các đương sự. Như vậy, chỉ giải thích Bản án, quyết định khi còn có những vấn đề chưa rõ cần làm rõ hơn đễ các đương sự và cơ quan yêu cầu hiểu và nắm chắc vấn đề.

Cũng theo Từ điển Tiếng Việt thì “Sữa chữa là khắc phục những lỗi, những sai sót”, như vậy, khi có những sai sót, những lỗi trong Bản án, quyết định thì sẽ tiến hành sữa chữa, tuy nhiên việc sữa chữa những sai sót, lỗi đó không làm thay đổi bản chất vụ án và không gây bất lợi cho các đương sự. Ví dụ: Sai sót về con số hoặc lỗi chính tả…

Thứ hai: Điều luật không nêu rõ căn cứ giải thích, sữa chữa bản án, quyết định và thời hạn giải thích, sữa chữa bản án, quyết định?

Đây là những bất cập, hạn chế trong quy định tại Điều 365 của BLTTHS.

Từ việc nghiên cứu các quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ án, kiến nghị một số nội dung sau đây:

+ Cần sửa đổi, bổ sung Điều 365 BLTTHS năm 2015. Giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án:

Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện.

Việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào bản án, quyết định, biên bản phiên tòa, phiên họp và biên bản nghị án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án phải có văn bản giải thích, sữa chữa và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được cấp, gửi bản án, quyết định theo quy định của Luật này. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn 07 ngày.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề giải thích, sữa chữa bản án, quyết định của Tòa án để trong thực tiễn thực hiện được thống nhất./

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

2275

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]