23/04/2020 08:25

Việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo khi xóa án tích theo Công văn số 64/TANDTC-PC

Việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo khi xóa án tích theo Công văn số 64/TANDTC-PC

Xóa án tích là việc khuyến khích người phạm tội chuyên tâm cải tạo, trở thành người tốt, có ích cho xã hội để tái hòa nhập cộng đồng và không đi vào con đường phạm tội. Đây cũng là mục đích chính của pháp luật hình sự, vừa đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh và vừa đạt được yêu cầu phòng ngừa chung. Tuy nhiên, việc thực hiện xóa án tích hiện nay vẫn còn có bất cập trong việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.

Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 13/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính được ban hành, trong đó tại mục 7, phần I của Công văn có hướng dẫn: Điều 70 của Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án.

Như vậy, BLHS không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay. Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của BLHS.

Theo hướng dẫn của Công văn 64, trách nhiệm chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án là trách nhiệm của người bị kết án, nên không thể lấy lý do chưa nhận được thông báo, Quyết định thi hành án… của các cơ quan tố tụng để không thi hành và cho đó là lỗi của các cơ quan tố tụng để được hưởng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong việc xóa án tích. Hướng dẫn này thể hiện sự nghiêm minh đối với thái độ chấp hành bản án của người bị kết án, đúng với các quy định của pháp luật hình sự và hạn chế hiện tượng tiêu cực trong việc xóa án tích.

Quy định

Để nhận thức đầy đủ về hướng dẫn này, có thể đánh giá trên những nội dung sau:

Thứ nhất: Phải khẳng định người được xóa án tích là người đã chấp hành xong toàn bộ các quyết định được nêu trong bản án. Nói cách khác là đã thực hiện xong hết trách nhiệm hình sự của người bị kết án đối với Nhà nước, nếu chỉ chấp hành xong một phần trách nhiệm hình sự được nêu trong bản án thì chưa thể được gọi là hoàn thành nghĩa vụ, nên không được tính là chấp hành xong bản án, do đó đương nhiên là chưa được xóa án tích (trừ những trường hợp được miễn, giảm, đặc xá, đại xá hoặc những quy định khác của pháp luật).

Thứ hai: Người phạm tội là người phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần hiểu “trách nhiệm hình sự” mà người phạm tội phải gánh chịu ở đây không chỉ có hình phạt chính mà còn gồm cả các hình phạt bổ sung, trách nhiệm dân sự, một số biện pháp tư pháp và các quyết định khác được nêu trong bản án. Có thể nói: Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm mà cá nhân hoặc pháp nhân phải gánh chịu trước Nhà nước và hậu quả pháp lý này được thể hiện bằng hình phạt cùng các quyết định khác được nêu trong bản án để buộc người bị kết án phải thực hiện.

Như vậy, khi nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của khái niệm “trách nhiệm hình sự” và liên hệ với chế định xóa án tích, chúng ta sẽ thấy: nếu người bị kết án chưa thực hiện hết những hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra thì chưa hết nghĩa vụ với Nhà nước, nên sẽ không được xóa án tích.

Thứ ba: Tại phiên tòa, bị cáo đã được nghe Hội đồng xét xử tuyên về mức án và các quyết định khác mà bị cáo phải chấp hành. Ngoài ra, tại Điều 262 BLTTHS quy định: “1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa…”, do đó bên cạnh việc bị cáo được trực tiếp nghe Hội đồng xét xử tuyên án tại phiên tòa, bị cáo còn được nhận bản án, nên không thể nói là bị cáo không biết mình phải chấp hành những hình phạt và quyết định gì. Vì vậy, khi bị cáo đã được nhận đầy đủ thông tin về hình phạt, quyết định trong bản án, thì bị cáo phải có nghĩa vụ thực hiện (hoặc nhờ người thân thực hiện đối với các khoản bồi thường dân sự, đóng án phí), không thể đổ trách nhiệm cho các cơ quan tố tụng trong việc chưa ra Quyết định thi hành án, chưa thông báo cho bị cáo… để không thi hành và được xóa án tích theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo được. Nếu không sẽ gây ra sự bất công bằng cho những người nghiêm túc trong việc chấp hành đầy đủ những phán quyết của Tòa án; hoặc gây thiệt hại trong việc thu ngân sách đối với những khoản thu về án phí, truy thu tài sản do phạm tội mà có hoặc những hình phạt bổ sung về tiền…

Vướng mắc

Bên cạnh sự tích cực, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật của hướng dẫn về xóa án tích nêu trên, còn có một số vướng mắc khi áp dụng hướng dẫn này trong thực tiễn. Cụ thể như sau:

Một là: Có quan điểm cho rằng quy định này mâu thuẫn với chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự, mà cụ thể là trái với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Trong thực tế, không tránh được những sai sót của các cơ quan tố tụng trong việc thi hành án, đặc biệt là trường hợp đóng án phí, có thể người bị kết án đã thực hiện nhưng do sơ suất của cơ quan tố tụng đã không lưu giữ hoặc làm thất lạc biên lai… thì trách nhiệm này phải thuộc về cơ quan tố tụng, không thể buộc người bị kết án phải chịu trách nhiệm về thiếu sót của cơ quan tố tụng được. Do đó, cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị kết án trong trường hợp này, đó là xác định họ đã đóng án phí và xóa án tích cho họ (nếu họ đã thực hiện hết các quyết định khác trong bản án).

Hai là: Do trước khi Công văn 64 ra đời, trường hợp xác định việc chưa đóng án phí (hoặc các quyết định khác trong bản án) là do lỗi của cơ quan tố tụng thì thường được áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị kết án, xóa các án tích đó. Tuy nhiên, sau khi Công văn 64 được ban hành, các án tích đã được xóa trước đây bây giờ lại không được coi là đã xóa, dẫn đến trường hợp cùng là một án tích, nhưng thời điểm thì tính là đã được xóa, thời điểm thì tính chưa được xóa, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong việc truy tố, xét xử. Ví dụ: Trong vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, bị can có 2 tiền án. Trường hợp nếu xác định 2 tiền án đã được xóa thì chỉ bị truy tố theo khoản 1, Điều 249 BLHS, nhưng nếu xác định 2 tiền án chưa được xóa thì bị can thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm”, bị truy tố theo điểm o, khoản 2, Điều 249 BLHS với khung hình phạt cao hơn rất nhiều.

Ba là: Về nguyên tắc, luật Hình sự Việt Nam không có hiệu lực hồi tố đối với những quy định bất lợi cho bị can, bị cáo (chỉ những quy định có lợi cho bị can, bị cáo được hồi tố nhằm thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự). Do đó, nếu áp dụng hướng dẫn của Công văn 64 về việc không xóa án tích cho những bản án mà trước đây đã được xóa thì gây bất lợi cho bị can, bị cáo, vi phạm nguyên tắc về hiệu lực hồi tố của pháp luật hình sự.

Kiến nghị

Từ phân tích nêu trên, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải thích những vướng mắc về chế định xóa án tích tại Công văn 64 theo hướng:

Nêu rõ không chỉ Điều 70 BLHS năm 2015 mới quy định việc xóa án tích bao gồm chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác trong bản án, mà tại Điều 63 BLHS năm 1999 cũng đã quy định rõ nội dung này. BLHS năm 2015 kế thừa tinh thần của BLHS năm 1999 về chế định xóa án tích, ngoài ra còn quy định nhẹ hơn về mặt thời hạn chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác để xét xóa án tích. Bên cạnh đó, trước đây chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn việc được xóa án tích trong trường hợp lỗi do cơ quan tố tụng, mà chỉ do các cơ quan tố tụng tự vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Vì vậy, hướng dẫn của Công văn 64 không phải là hồi tố, không vi phạm chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật hình sự.

Đối với trường hợp thực sự do lỗi của cơ quan tố tụng thì chấp nhận cho người bị kết án được hưởng nguyên tắc có lợi để xóa án tích. Cụ thể là những trường hợp các cơ quan tố tụng bị thất lạc tài liệu do tách, nhập, thay đổi trụ sở… nên không có căn cứ để xác định người bị kết án đã nộp án phí hoặc thực hiện các quyết định khác của bản án hay chưa, thì chấp nhận cho người kết án là đã thi hành án xong. Ví dụ: Năm 1993, Cơ quan thi hành án dân sự tách khỏi Tòa án; năm 2008, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây hợp nhất, nên có thể thất lạc về tài liệu, sổ sách trong quá trình vận chuyển, bàn giao, dẫn đến không có tài liệu để kiểm chứng việc người bị kết án đã nộp án phí hay chưa. Những trường hợp như này, các cơ quan tố tụng cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị kết án. Như vậy, sẽ đảm bảo việc xóa án tích vừa đúng quy định pháp luật, vừa đúng tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của pháp luật hình sự Việt Nam./.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

1916

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn