11/07/2023 08:20

Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, tài nguyên, xử lý hình sự thế nào?

Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, tài nguyên, xử lý hình sự thế nào?

Xin hỏi hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, tài nguyên, xử lý hình sự thế nào?- Khánh Ái (Tây Ninh)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Khai thác khoáng sản là gì?

Căn cứ Khoản 1, Khoản 5, Khoản 7 Điều 2 Luật khoáng sản 2010 quy định về khoáng sản như sau:

- Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

- Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản.

- Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định thì khu vực khai thác khoáng sản là khoảng không gian nằm trong biên giới kết thúc khai thác của mỏ được xác định trong Dự án đầu tư/Báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản phù hợp với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác thuộc phạm vi ranh giới tọa độ, diện tích, độ sâu ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản.

2. Xử lý hình sự tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên

Theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 đề cập tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên như sau: 

- Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

+ Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Có tổ chức;

+ Gây sự cố môi trường;

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự, thì bị phạt như sau:

+ Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, tội vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, tài nguyên có thể bị phạt tiền lên đến 1.500.000.000 đồng và phạt tù lên đến 7 năm đối với cá nhân. 

Trường hợp, pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm tội này, có thể bị phạt tiền lên đến 7.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Ngoài ra, xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản được quy định chi tiếc tại Chương 3 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.

Trân trọng! 

Nguyễn Phạm Nhựt Tân
11479

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]