05/06/2023 13:59

Vi phạm quy định bầu cử, bị xử phạt thế nào?

Vi phạm quy định bầu cử, bị xử phạt thế nào?

Tôi muốn biết các hành vi vi phạm quy định bầu cử thế nào? Vi phạm có bị phạt tù không? nếu có mức phạt ra sao?_Lê Minh(Gia Lai)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định về hành vi vi phạm việc bầu cử

Theo Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về hành vi vi phạm việc bầu cử như sau:

- Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân;

- Vi phạm các quy định về vận động bầu cử;

- Người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử.

Theo đó, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Người có hành vi vi phạm quy định bầu cử bị xử phạt thế nào?

Xử phạt hình sự:

Theo Điều 160 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về mức phạt đối với tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân cụ thể:

- Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.

- Phạt tù từ 01 năm đến 02 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đồng thời, theo Điều 161 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về mức phạt đối với người làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân cụ thể:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân.

- Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xử lý kỷ luật:

Nếu người vi phạm là Đảng viên thì tùy theo nội dung hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 27 Quy định 69-QĐ/TW như sau:

- Người được phân công nhiệm vụ trong tổ chức, thực hiện bầu cử nhưng thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thẩm định, xem xét hồ sơ xin ứng cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử; thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình, thủ tục về bầu cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử...  thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

- Người có hành vi tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng các thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử... thì bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ…

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Hứa Lê Huy
2831

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn