09/11/2023 11:17

Vi phạm phòng, chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán bị xử lý thế nào?

Vi phạm phòng, chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán bị xử lý thế nào?

Rửa tiền trên thị trường chứng khoán là gì? Công ty chứng khoán vi phạm phòng, chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán bị xử lý thế nào? Khánh Thi - Hải Dương.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Rửa tiền trên thị trường chứng khoán là gì?

Rửa tiền trên thị trường chứng khoán là việc các đối tượng lợi dụng hoạt động giao dịch chứng khoán để hợp pháp hóa các nguồn tiền bất hợp pháp. Cụ thể:

- Rửa tiền qua giao dịch chứng khoán là việc sử dụng tiền thu được từ các hoạt động phi pháp (ma túy, buôn lậu, tham nhũng...) để mua bán chứng khoán. Qua đó biến đổi nguồn tiền bất hợp pháp thành lợi nhuận hợp pháp từ đầu tư chứng khoán.

- Các đối tượng rửa tiền thông qua các giao dịch trên thị trường chứng khoán để tạo vỏ bọc cho nguồn tiền phi pháp, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền.

- Thị trường chứng khoán có thanh khoản lớn, khối lượng giao dịch khổng lồ giúp các đối tượng dễ dàng hợp pháp hóa tiền bất chính thông qua các giao dịch mua bán chứng khoán.

Thủ đoạn là chia nhỏ số tiền bằng cách mua nhiều loại cổ phiếu khác nhau, sau đó tập hợp lại thành một khoản lớn để tránh bị cơ quan chức năng chú ý, nghi ngờ. Thậm chí, chúng còn mua cả cổ phần giả do các công ty ma mua phát hành. Bởi lẽ, chúng không quan tâm đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khi đầu tư, nên mua cổ phiếu bằng mọi giá.

Ví dụ: Ông A là một doanh nhân thành đạt, nhưng thực chất ông đang điều hành một đường dây buôn ma túy lớn. Hàng năm ông A thu về hàng chục tỷ đồng tiền mặt từ việc buôn bán ma túy.

Để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền này, ông A sử dụng các cá nhân, tổ chức (ngân hàng, công ty chứng khoán...) để mua cổ phiếu của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán với số lượng lớn.

Sau khi mua, ông A sẽ bán lại cổ phiếu để thu về lợi nhuận. Lợi nhuận thu về sẽ được ông A khai báo là do kinh doanh chứng khoán mang lại. Như vậy, nguồn tiền phi pháp ban đầu đã được ông A rửa sạch thành lợi nhuận hợp pháp từ đầu tư chứng khoán.

Như vậy, rửa tiền trên thị trường chứng khoán là việc lợi dụng giao dịch chứng khoán để biến đổi nguồn tiền bất hợp pháp thành các khoản lợi từ đầu tư chứng khoán.

2. 08 dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán

Tại Điều 31 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định rõ các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán gồm:

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện.

- Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

- Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

- Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại.

- Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán không có lợi trong khoảng thời gian ngắn.

- Tài khoản chứng khoán của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ quỹ đầu tư được mở ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền.

- Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

3. Vi phạm phòng, chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán bị xử lý thế nào?

Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:

- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định về kiểm toán nội bộ, rà soát khách hàng trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng: Đối với hành vi không rà soát khách hàng và các bên liên quan theo các danh sách cảnh báo trước khi thiết lập mối quan hệ hoặc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng;

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng: Đối với hành vi vi phạm không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi có khách hàng và bên có liên quan nằm trong các danh sách cảnh báo; không thực hiện kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng: Đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền sau đây:

+ Không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền;

+ Không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật; không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: Đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022;

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng: Đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022;

+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng: Đối với hành vi thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, tài khoản sử dụng tên giả theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022;

+ Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng: Đối với hành vi tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền.

Đồng thời, đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi tổ chức, tham gia hoặc tạo Điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

(Căn cứ Điều 45 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)

Như vậy, tùy thuộc vào hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ có các mức xử phạt tiền khác nhau có thể lên đến 250.000.000 đồng.

Nguyễn Ngọc Trầm
950

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn