1.Quy định của pháp luật
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án ban hành quyết định để chấm dứt việc giải quyết vụ án dân sự, nói cách khác là ngừng hẳn mọi hoạt động tố tụng của vụ án dân sự đó khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định cụ thể tại BLTTDS 2015[1]. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là “đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”[2].
Đối với trường hợp nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015. Ngoài ra, tại mục 5 phần IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử của TANDTC đã giải đáp trường hợp: “5. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn không nộp tiền chi phí định giá theo điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trong trường hợp này nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án như trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện hay không?”. Giải đáp của TANDTC đã xác định “nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện”.
2. Bất cập trong thực tiễn
Đối với quy định nêu trên tác giả cho rằng còn tồn tại bất cập, xin dẫn chiếu vụ án cụ thể như sau: Nguyên đơn là Công ty X khởi kiện vụ án “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” tại TAND Tp H, theo đó yêu cầu bị đơn là Công ty A trả tiền do đã thực hiện Hợp đồng dịch vụ. Do Công ty A có trụ sở tại Hàn Quốc nên TAND Tp H yêu cầu nguyên đơn nộp chi phí ủy thác tư pháp để làm thủ tục ủy thác tư pháp cho bị đơn theo quy định.
Tại Công văn số 225/UTTPDS-TA, TAND Tp H đề nghị Bộ Tư pháp ủy thác tống đạt Đơn khởi kiện, Thông báo thụ lý, Giấy triệu tập… cho bị đơn là Công ty A.
Tại Công văn số 1865/BTP - HTQT, Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ ủy thác cho TAND Tp H vì chưa đầy đủ tài liệu.
Tại Quyết định số 573/2012/QĐTĐC-KDTM-ST ngày 29/8/2012, TAND Tp H quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do cần phải ủy thác tư pháp để tống đạt tài liệu văn bản của Tòa án, thu thập chứng cứ…
Tại Biên bản làm việc ngày 24/12/2018 ở trụ sở TAND Tp H, Tòa án thông báo cho đại diện phía nguyên đơn về việc nộp phí ủy thác tư pháp.
Tại Thông báo số 3290, 3291, 3292/TB-TA ngày 05/5/2020, TAND Tp H thông báo cho Công ty X nộp tạm ứng lệ phí ủy thác tư pháp, chi phí ủy thác tư pháp về dân sự (hạn 15 ngày), phí ủy thác tư pháp (hạn 10 ngày). Tại Biên bản giao nhận ngày 21/5/2020, Tòa án đã tống đạt trực tiếp các thông báo trên cho đại diện phía nguyên đơn. Tuy nhiên, hết thời hạn nộp ghi trong Thông báo nhưng nguyên đơn không nộp tiền theo quy định của pháp luật. Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 734/2020/QĐST-KDTM ngày 10/6/2020, TAND Tp H đã căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 đình chỉ giải quyết vụ án vì nguyên đơn không nộp phí thực hiện ủy thác tư pháp và tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp theo các thông báo nêu trên.
2. Một số bình luận của tác giả
Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, TAND Tp H đã yêu cầu nguyên đơn nộp chi phí ủy thác tư pháp, để làm thủ tục ủy thác tư pháp cho bị đơn nhưng nguyên đơn không nộp tiền nên Tòa án căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là đúng quy định của pháp luật.
Thực tế, năm 2020, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp chia thừa kế” giữa nguyên đơn là bà N.T.Ngọc với bị đơn là bà T.Yến. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 21/2020/DS-GĐT ngày 23/4/2020, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định: Hủy Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 66/2018/QĐ-PT ngày 18/4/2018 của Tòa án nhân dân H và Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 839/2017/QĐST-DS ngày 07/7/2017 của Tòa án nhân dân K, với nhận định (tóm tắt):
“Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã 03 lần gửi Thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí định giá nhà đất tới nguyên đơn là bà Ngọc. Sau đó, bà Ngọc 02 lần có đơn xin tạm hoãn nộp tiền chi phí định giá nhà đất với lý do cần đợi kết quả giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 2096/DSST ngày 25/10/2001 của TANDT I về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. TAND K không chấp nhận yêu cầu tạm hoãn nộp tiền chi phí định giá nhà đất của bà Ngọc và ban hành Công văn số 279/TATP-TDS ngày 13/3/2017 với nội dung:“Đề nghị bà Ngọc đóng tiền tạm ứng chi phí định giá theo Thông báo số 768/TB-TA ngày 02/3/2017 mà Tòa án đã tống đạt cho bà. Nếu bà không đóng tiền tạm ứng chi phí định giá thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.”. Đến ngày 07/7/2017, bà Ngọc vẫn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản; do đó, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 839/2017/QĐST-DS ngày 07/7/2017 là đúng theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 217 BLTTDS năm 2015.
Tuy nhiên, Thông báo số 279/TATP-TDS ngày 13/3/2017 của TAND K lại thể hiện: “Sau khi đình chỉ giải quyết vụ án, bà Mỹ Ngọc vẫn được quyền khởi kiện lại bằng vụ kiện khác khi có yêu cầu”. Như vậy, Thông báo này của TAND K không đúng theo quy định tại khoản 1, Điều 218 BLTTDS năm 2015. Hơn nữa, mục 2 của Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 839/2017/QĐST-DS ngày 07/7/2017 nêu trên đã ghi:“Đương sự được quyền khởi kiện lại vụ án dân sự khi có yêu cầu” cũng trái với khoản 1, Điều 218 BLTTDS năm 2015”.
Như vậy, theo quy định của BLTTDS hiện hành và quan điểm chung của Tòa án khi giải quyết các trường hợp đình chỉ theo điểm d, khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 là sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng đây là một vấn đề bất cập, bởi lẽ: Tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác[3] được hiểu là số tiền mà Tòa án tạm tính để chi trả, tiến hành việc định giá tài sản và chi phí tố tụng khác mà đương sự có nghĩa vụ phải nộp khi yêu cầu của họ làm phát sinh các chi phí này. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp nguyên đơn có yêu cầu nhưng họ không có đủ điều kiện kinh tế để nộp số tiền theo thông báo của Tòa án. Từ đó, việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhưng không quy định việc nguyên đơn được quyền khởi kiện lại để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là hậu quả pháp lý bất lợi cho nguyên đơn, sẽ làm hạn chế quyền khởi kiện của của đương sự và không phù hợp với thực tiễn xét xử.
Tác giả cho rằng, trong trường hợp này Tòa án có thể giải thích cho nguyên đơn về các chi phí tố tụng phát sinh theo quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án để họ chuẩn bị; trường hợp họ xác định không đủ điều kiện để nộp các chi phí theo quy định của pháp luật thì Tòa án hướng dẫn nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Từ đó, Tòa án có thể áp dụng đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS: “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện….” và nguyên đơn được quyền khởi kiện lại theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Quyền khởi kiện là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp[4] và cụ thể hóa tại Điều 186 BLTTDS năm 2015: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về việc nguyên đơn được quyền khởi kiện lại trong trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS để đảm bảo một trong những nguyên tắc cơ bản và đặc trưng của pháp luật tố tụng dân sự đó là “Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Nguồn: Tạp chí Tòa án