23/01/2021 10:21

Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”

Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là các tình tiết trong một vụ án cụ thể mà nó sẽ làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong một khung hình phạt. Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng tình tiết quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015 còn nhiều vướng mắc.

Quy định của pháp luật

Tội phạm bao giờ cùng là hành vi nguy hiểm cho xã hội đã gây ra hoặc đe dọa gây ra cho những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Nhưng căn cứ vào các hành vi của người phạm tội mà cơ quan có thẩm quyền xác định xem hành vi nào là tình tiết giảm nhẹ cho bị can, bị cáo, từ đó, đưa ra mức hình phạt tương xứng với từng cá nhân.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năm hối cải” được quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015.

Thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là hai khái niệm có nội dung hoàn toàn khác nhau.

Người phạm tội thành khẩn khai báo là không khai gian dối bất cứ một điều gì liên quan đến hành vi phạm tội của mình cũng như của người khác. Tình tiết này cũng là một dạng tự thú, nhưng ở mức độ thấp hơn. Tình tiết chỉ xảy ra khi người phạm tội đã bị phát hiện. Trong quá trình làm rõ các tình tiết của vụ án thì hành vi này giúp các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng làm sáng tỏ các hành vi vi phạm nhằm kết thúc sớm vụ án, xử đúng người, đúng tội. Theo quy định của BLHS thì người phạm tội khai báo không thành khẩn sẽ không thuộc các tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật này, bởi lẽ, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nhưng khi người phạm tội thành khẩn khai báo thì pháp luật lại quy định đó là một tình tiết giảm nhẹ bởi vì quy định như vậy nhằm thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước cũng như giúp các cơ quan có thẩm quyền tố tụng phát hiện tội phạm sớm hơn.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào sự thành khẩn của người phạm tội ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của lời khai thành khẩn đó với việc xác định hành vi phạm tội của họ cũng như của các đồng phạm (nếu vụ án có đồng phạm).

Người phạm tội ăn năn hối cải, là trường hợp sau khi phạm tội, người phạm tội cảm thấy bị cắn rứt, giày vò lương tâm về những việc làm của mình; hối hận và muốn sửa chữa lỗi lầm. Người phạm tội ăn năn hối cải không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà bằng những hành động tích cực chấp hành pháp luật, gương mẫu trong mọi lĩnh vực của đời sống, hối hận với hành vi phạm tội của mình, có thái độ tích cực trong việc khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Khi xác định tình tiết này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp với các cơ quan nhà nước khác, tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng đang quản lý người phạm tội để xác nhận thái độ của họ sau khi phạm tội. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng trường hợp người phạm tội giả vờ ăn năn hối cái để được khoan hồng rồi tiếp tục phạm tội.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những thành tích mà người phạm tội đã đạt được, thành tích càng nhiều, lập công lớn thì mức đố giảm nhẹ càng nhiều.

Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Trong thực tiễn áp dụng những quy định này, chúng tôi thấy có một số điểm còn băn khoăn, vướng mắc xin được nêu để trao đổi.

Thứ nhất, nhiều trường hợp bị cáo đã khai hết toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội nhưng họ cho rằng hành vi của mình không phải là tội phạm, nhiều Thẩm phán căn cứ vào hành vi này nên không áp dụng tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo”.

Chúng tôi cho rằng, họ đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi của mình, nhưng do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình trái với quy định của pháp luật nên mới không thừa nhận. Trường hợp này bị cáo hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo”.

Thứ hai, thành khẩn khai báo phải được hiểu là không khai gian dối điều gì có liên quan đến hành vi phạm tội. Có trường hợp tại phiên tòa, bị cáo không khai báo trung thực mà phải đấu tranh, dùng mọi biện pháp, nghiệp vụ đến lúc bị cáo thấy không thể chối cãi được mới nhận tội nhưng vẫn áp dụng tình tiết “thành khẩn khai báo” thì có phù hợp không?  Thực tế, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này cho bị can, bị cáo.

Hay người phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng, bị cáo không thể chối tội mà phải khai ra, thì có áp dụng tình tiết này không. Quan điểm của hầu hết Thẩm phán là vẫn áp dụng có lợi cho bị cáo và căn cứ vào mức độ thành khẩn đến đâu, thời điểm nào để áp dụng hình phạt cho tương xứng.

Thứ ba, theo quy định tại điểm s, khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 giữa hai tình tiết “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” có dấu phẩy “,” ngăn cách thì đây được xem là một hay hai tình tiết giảm nhẹ? Khi người phạm tội đủ điều kiện thoả mãn một trong hai tình tiết này là “thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải” thì có được áp dụng quy định này không? Hay phải thỏa mãn cả hai điều kiện này thì mới được áp dụng?

LÊ NGỌC NAM (Tòa án quân sự khu vực - Quân khu 4)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

8212

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]