02/10/2019 13:56

Vay tín chấp lãi suất cao không hề phạm luật?

Vay tín chấp lãi suất cao không hề phạm luật?

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, lãi suất trong giao dịch dân sự không được vượt quá 20%/năm. Vậy tại sao một số công ty tài chính cho vay tín chấp với lãi suất cao hơn nhiều, nhiều khách hàng bức xúc tố lừa đảo nhưng vẫn hoạt động bình thường và không hề vi phạm pháp luật?

Tại Bản án số 45/2019/DS-ST ngày 25/07/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản của Tòa án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An có nội dung như sau:

“Ngày 25/10/2017, ông Huỳnh Lê Minh T1 có ký Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng số 20171026-0004706 với Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng V (gọi tắt Công ty) để vay số tiền 33.338.000 đồng, lãi suất thỏa thuận là 3,92%/tháng, mục đích vay tiền để tiêu dùng cá nhân, khi vay ông T1 không có thế chấp bất kỳ tài sản nào cho Công ty.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, ông T1 có trách nhiệm thanh toán cho Công ty số tiền gốc và lãi là 63.544.639 đồng, trả dần liên tiếp trong vòng 36 tháng, cụ thể 35 tháng đầu, mỗi tháng trả số tiền 1.743.000 đồng và tháng cuối cùng trả 2.539.639 đồng. Kỳ thanh toán đầu tiên bắt đầu từ ngày 01/12/2017.

Thực hiện hợp đồng, ông T1 đã nhận đủ số tiền vay để tiêu dùng cá nhân và đã thanh toán cho Công ty được tổng số tiền là 21.285.000 đồng (trong đó nợ gốc là 12.179.696 đồng, nợ lãi là 9.105.304 đồng). Kể từ ngày 11/7/2019 đến nay, ông T1 không thanh toán thêm bất kỳ khoản vay gốc và lãi nào dù Công ty đã dùng nhiều biện pháp nhắc nhở.

Do ông T1 trễ hạn thanh toán nên Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng V khởi kiện yêu cầu ông T1 phải trả một lần cho Công ty số tiền nợ là 42.259.639 đồng, trong đó: nợ gốc là 21.158.304 đồng, nợ lãi là 21.101.335 đồng.”

Tòa tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng V đối với ông Huỳnh Lê Minh T1.

Buộc ông Huỳnh Lê Minh T1 có nghĩa vụ trả cho Công ty tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng V số tiền 42.259.639 đồng.

Vay tín chấp hiện xuất hiện khá nhiều trên thị trường tiêu dùng để áp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và là xu hướng tài chính cá nhân hiện đại ở các nước phát triển. Vì thủ tục cho vay tín chấp khá đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tiếp cận nguồn vốn nhưng đôi khi đây cũng là một cái “bẫy” giăng sẵn đối với nhiều người.

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về mức lãi suất như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Theo quy định, nếu trong giao dịch dân sự có hợp đồng vay với lãi suất cao hơn mức quy định của bộ luật dân sự thì phần vượt quá được coi là bất hợp pháp và không được tòa án công nhận. Và người vay nếu bị kiện chỉ phải trả số tiền gốc, lãi tương ứng với mức 20%/năm của Bộ luật dân sự.

Vậy thì tại sao với mức lãi suất 3.92%/tháng, tính ra khoảng trên 40% một năm của ngân hàng V trên đối với bị đơn lại được tòa án chấp nhận, buộc anh T phải trả đủ cả vốn và lãi tương ứng với  lãi suất có thể váo gấp đôi lãi suất luật quy định?

Để cùng tìm hiểu, chúng ta cùng bắt đầu với vay tín chấp là gì?

Vay tín chấp hiểu một cách đơn giản là người vay sử dụng “uy tín” của mình mà không cần phải thế chấp hay bất cứ điều kiện bảo lãnh nào khi vay tiền, khác với vay thế chấp là loại vay cần tài sản để đảm bảo cho khoản vay. 

Vì vậy, những khoản vay tín chấp chứa đựng nhiều rủi ro, dễ trở thành những khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Và để đảm bảo cho các chi phí, rủi ro cho việc vay vợ tín chấp, vừa để khai thác thị trường tín dụng tiêu dùng đang bùng nổ với lợi nhuận khổng lồ đang chờ được khai thác, vay tín chấp ra đời đi kèm với lãi suất cao.

Về nguyên tắc, vay tín chấp tiêu dùng cũng được quản lý theo đúng các quy định đã được ban hành. Và nếu tìm hiểu kĩ thì thực ra, các tổ chức tín dụng khi áp dụng mức lãi suất như trên là không hề phạm luật. Bởi Theo quy định tại khoản 2, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010:

Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Tức là tổ chức tín dụng và khách hàng có thể tự do thỏa thuận về mức lãi suất, và thông thường mức lãi suất này thường cao và được tổ chức tín dụng quyết định chứ không phải khách hàng. 

Để dễ dàng tiếp cận với người vay, các công ty tín dụng thường có quan hệ với các doanh nghiệp bán lẻ để tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với khách hàng. Thêm đó, trong quá trình kí hợp đồng vay tín chấp, bên cho vay thường cố ý làm cho người vay không hiểu rõ, mù mờ về lãi suất. Bên cho vay thường chỉ cho người vay biết số tiền phải đóng trong 01 tháng là bao nhiêu, trong bao nhiêu tháng. Vì vậy, con số phải trả hàng tháng khá thấp và không ảnh hưởng gì lớn. Nhưng thực ra, nếu tính tổng các khoản phải trả, người vay sẽ phải trả một khoản khá lớn so với giá trị món đồ mà mình mua.

Mặc dù có thể hiểu cho các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp vì lợi nhuận, và để bổ sung vào các quỹ dự phòng nghiệp vụ khi có nợ xấu xảy ra nên cần cho vay tiêu dùng với lãi suất cao để tạo nguồn vốn. Nhưng một số tổ chức cho khách hàng vay nhưng không muốn khách hàng hiểu rõ khoản vay mình cần để dễ dàng mời chào vay tín chấp. Việc này dẫn đến nhiều trường hợp khách hàng bức xúc khi tính lại lãi quá cao nhưng chỉ nhận ra khi đã quá muộn.

Thêm đó, nếu người vay không trả tiền đúng hạn, một số tổ chức tín dụng còn đe dọa, quấy rối khách hàng và gia đình người thân. Việc đòi nợ dễ bị biến tướng thành khủng bố tinh thần, đôi khi còn đe dọa tính mạng khách hàng gây mất trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, một lời khuyên dành cho nhưng ai đang muốn vay tín chấp: hãy suy tính thật kĩ trước khi vay tín chấp. Tuy thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận nguồn vốn nhưng phải đổi lại lãi suất khá “chát”. Khi vay tín chấp cần hiểu rõ cách tính lãi suất của hợp đồng tín dụng, biết được tổng số tiền cả gốc lẫn lãi cho khoản vay này là bao nhiêu, dự phòng trường hợp không may xảy ra nếu có. Bởi vì chỉ cần trễ hạn trả tiền một lần thì số tiền phải đóng thêm không hề nhỏ, trường hợp xấu hơn có thể bị bên cho vay chấm dứt hợp đồng, bắt buộc hoàn trả ngay lập tức tiền gốc và lãi. Thêm đó, nên vay tín chấp trong thời gian ngắn nhất có thể. Bởi các khoản vay 24 -36 tháng với số tiền trả lãi hàng tháng rất thấp nhưng quy chung lại có thể bằng 2-3 lần số tiền bạn đã vay.

Bản án nêu trên, số tiền mà anh T1 vay là hơn 33 triệu đồng, số tiền gốc và lãi phải trả là hơn 63 triệu đồng trong 36 tháng hy vọng sẽ là minh họa rõ ràng về lãi suất vay tín chấp hiện nay.

Quang Chính
9945

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn