Tại Bản án số 45/2019/DS-ST ngày 25/07/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản của Tòa án nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An có nội dung như sau:
“Ngày 25/10/2017, ông Huỳnh Lê Minh T1 có ký Đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng số 20171026-0004706 với Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng V (gọi tắt Công ty) để vay số tiền 33.338.000 đồng, lãi suất thỏa thuận là 3,92%/tháng, mục đích vay tiền để tiêu dùng cá nhân, khi vay ông T1 không có thế chấp bất kỳ tài sản nào cho Công ty.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng, ông T1 có trách nhiệm thanh toán cho Công ty số tiền gốc và lãi là 63.544.639 đồng, trả dần liên tiếp trong vòng 36 tháng, cụ thể 35 tháng đầu, mỗi tháng trả số tiền 1.743.000 đồng và tháng cuối cùng trả 2.539.639 đồng. Kỳ thanh toán đầu tiên bắt đầu từ ngày 01/12/2017.
Thực hiện hợp đồng, ông T1 đã nhận đủ số tiền vay để tiêu dùng cá nhân và đã thanh toán cho Công ty được tổng số tiền là 21.285.000 đồng (trong đó nợ gốc là 12.179.696 đồng, nợ lãi là 9.105.304 đồng). Kể từ ngày 11/7/2019 đến nay, ông T1 không thanh toán thêm bất kỳ khoản vay gốc và lãi nào dù Công ty đã dùng nhiều biện pháp nhắc nhở.
Do ông T1 trễ hạn thanh toán nên Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng V khởi kiện yêu cầu ông T1 phải trả một lần cho Công ty số tiền nợ là 42.259.639 đồng, trong đó: nợ gốc là 21.158.304 đồng, nợ lãi là 21.101.335 đồng.”
Tòa tuyên xử:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng V đối với ông Huỳnh Lê Minh T1.
- Buộc ông Huỳnh Lê Minh T1 có nghĩa vụ trả cho Công ty tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng V số tiền 42.259.639 đồng.
Các tổ chức tín dụng có thể tự thỏa thuận với khách hàng lãi suất đối với các khoản vay tín chấp theo quy định của pháp luật, được quy định tại điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 như sau:
Điều 91. Lãi suất, phí trong động hoạt kinh doanh của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Và một số người thắc mắc rằng: Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì ”lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm” vậy thì tổ chức tín dụng khi thỏa thuận về lãi suất phải theo quy định của pháp luật là áp dụng lãi suất 20%/năm của Bộ luật dân sự, tại sao lại có thể thỏa thuận mức lãi suất cao hơn?
Để giải thích vấn đề này ta phải hiểu phạm vi áp dụng của Bộ luật dân sự và Luật tổ chức tín dụng 2010. Bộ luật dân sự 2015 có phạm vi điều chỉnh và điều kiện áp dụng pháp luật như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
Điều 4. Áp dụng Bộ luật dân sự
1. Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Bộ luật dân sự được ví như hiến pháp của giao dịch dân sự, bao quát chung, điều chỉnh chung cho các quan hệ dân sự nói chung và bao gồm cả hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. “không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” được hiểu là không được mâu thuẫn với bất cứ quy định nào được quy định trong Bộ luật dân sự.
Mặc khác, Luật tổ chức tín dụng 2010 cũng có phạm vi điều chỉnh như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.
Thứ nhất, xét về phạm vi điều chỉnh cho thấy Bộ luật dân sự có phạm vi điều chỉnh rộng hơn bao quát hơn Luật các tổ chức tín dụng 2010. Suy ra Luật các tổ chức tín dụng 2010 là luật chuyên ngành khi quan hệ dân sự có sự tham gia một bên của “các tổ chức tín dụng”. Như vậy trong bản án áp dụng điều 91 Luật tổ chức tín dụng chứ không phải là điều 468 Bộ luật dân sự theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành là đúng. Tuy Bộ luật dân sự điều chỉnh chung các quan hệ dân sự nhưng đối với Luật tổ chức tín dụng, hai luật này vẫn có giá trị pháp lý ngang nhau nên sẽ áp dụng luật chuyên ngành. Việc áp dụng luật tổ chức tín dụng 2010 sẽ không phải là áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn.
Thứ hai, xét về nội dung điều 468 của Bộ luật dân sự 2015:
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Câu “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” là câu trích dẫn quen thuộc xuất hiện nhiều trong các văn bản luật. Bởi nhà làm luật cũng hiểu không thể quy định hết được tất cả các trường hợp xảy ra trên thực tế. Hơn nữa, hệ thống pháp luật Việt Nam được đánh giá là chưa hoàn chỉnh nên câu trên được đưa ra để tránh hiện tượng xung đột pháp luật khi các luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Như vậy, khi luật tổ chức tín dụng có quy định khác là một ngoại lệ và được áp dụng trong trường hợp, phạm vi mà luật tổ chức tín dụng quy định. Việc áp dụng quy định của Luật tổ chức tín dụng sẽ không “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”.
Hơn nữa, Thông tư 39/2016/TT-NHNN hướng dẫn thêm có quy định về lãi suất của tổ chức tín dụng có quy định về lãi suất của tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay như sau:
Điều 13. Lãi suất cho vay
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
…”
Như vậy các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đều cho thấy tổ chức tín dụng và khách hàng trong hoạt động vay tín chấp có quyền “tự thỏa thuận lãi suất cho vay”. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất vay tín chấp của các tổ chức tín dụng khá cao, dao động từ khoảng 20% đến 70% năm tùy thuộc từng gói sản phẩm, số tiền vay và thời hạn trả nợ. Nếu không may không trả được nợ đúng hạn, người vay có thể bị phạt 150% lãi suất hiện tại theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 466 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Hi vọng qua bài viết trên người đọc có hiểu biết cơ bản về quy định pháp luật, thị trường và tranh chấp dân sự liên quan đến hoạt động cho vay tín chấp.