14/11/2023 17:16

Vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì?

Vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì?

Xin chào, tôi có một vấn đề cần Ban biên tập tư vấn như sau, trước kia tôi có vay tiền qua một ứng dụng trên điện thoại, vì không có đủ tiền trả nên tôi đã bị họ đòi giết, chém đến nhà tôi, vậy tôi có thể nhờ pháp luật hỗ trợ không, tôi hiện rất sợ hãi?

Chào chị, Ban biên tập xin được giải đáp như sau

1. Thế nào là hoạt động vay tiền qua App?

Hoạt động vay tiền qua ứng dụng là quá trình vay một khoản tiền cụ thể từ một tổ chức tài chính hoặc cá nhân thông qua việc sử dụng ứng dụng di động. Người vay thường thực hiện việc đăng ký, xác minh thông tin, chọn loại sản phẩm vay, và ký kết hợp đồng, tất cả đều được thực hiện qua giao diện ứng dụng trên điện thoại di động hoặc thiết bị di động khác.

Quy trình này thường rất thuận tiện vì người vay có thể thực hiện mọi thủ tục từ xa, mà không cần phải đến ngân hàng hoặc tổ chức tài chính truyền thống. Ứng dụng thường cung cấp các tính năng tự động hóa và xác minh điện tử để giảm thiểu thời gian và công sức cần thiết cho quá trình vay mượn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng vay tiền qua ứng dụng cũng có thể đi kèm với rủi ro và thật cẩn trọng trong việc đọc kỹ và hiểu rõ các điều khoản, lãi suất, và chi phí liên quan đến khoản vay.

2. Vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì?

Trong trường hợp người vay mắc nợ sau khi sử dụng dịch vụ vay tiền qua ứng dụng và phải đối mặt với áp lực từ các cuộc gọi và tin nhắn đòi nợ, quan trọng nhất là duy trì bình tĩnh và tỉnh táo.

Sau đó, việc đối diện với các cuộc gọi và tin nhắn đòi nợ cần được xử lý một cách bình thường. Tiếp theo người vay nên tiến hành đàm phán và thương lương với bên vay về việc giảm nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ. Trong trường hợp bên cho vay không đồng ý, và tiến hành khủng bố tinh thần, thì người vay cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Không làm theo những yêu cầu bên đòi nợ đưa ra, đặc biệt là yêu cầu một cách phi lý khi đòi nợ và trái quy định pháp luật

+ Tìm hiểu rõ các quy định pháp luật về việc cho vay. Đặc biệt chú ý đến hành vi cho vay nặng lãi và cách xử lý hình sự của tội cho vay nặng lãi.

+ Căn cứ trên hợp đồng vay, thông tin người vay để đàm phán.

+ Lưu lại cuộc gọi bằng cách ghi âm hoặc chụp màn hình các đoạn tin nhắn mà bên cho vay khủng bố để làm bằng chứng trước cơ quan chức năng.

+ Tố cáo đến cơ quan công an nơi hành vi khủng bố diễn ra.

+ Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho Công an qua đường dây nóng hoặc tới trực tiếp cơ quan để được tư vấn và lấy lời khai để vụ việc được giải quyết.

3. Các bước trình báo cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật

Bước 1: Tiến hành soạn đơn tố cáo: Tùy theo từng trường hợp mà bên vay tiến có thể soạn đơn tố cáo về hành vi lừa đảo; Tố giác về tội cho vay nặng lãi; Đơn tố cáo về hành vi vu khống trên mạng xã hội; Đơn tố giác về tội vu khống/ Đe dọa giết người .. vv, kèm theo đơn là Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo qua app vay tiền.

Bước 2: Nộp các giấy tờ tại bước 1 đến cơ quan công an nơi vụ việc xảy ra.

Bên cạnh đó người nộp có thể gọi qua các số điện thoại nóng của công an khu vực để được hướng dẫn hỗ trợ.

Hiện nay Hotline Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại Thành phố Hà Nội. Số điện thoại: 069.2342431

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh. Số điện thoại: 069.3336310

Hoặc có thể liên hệ với Văn phòng luật sư/ Công ty luật uy tín, gần nhất để được hỗ trợ tư vấn pháp lý.

4. Xử phạt hành chính đối với hành vi khủng bố người vay tiền qua app

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) có quy định vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Như vậy, người nào đòi tiền bằng cách khủng bố người vay tiền qua app, lấy ảnh của người vay tiền để bôi xấu uy tín và danh dự của người vay tiền có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp công bố thông tin cá nhân như họ tên, năm sinh, số chứng minh thư, số điện thoại, địa chỉ, ... và những bí mật khác của người vay tiền lên mạng xã hội thì có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng.

Nguyễn Ngọc Diện
15792

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn